Theo thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM, nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM, UBND TP đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm giải pháp lệch giờ lệch giờ đối với một số nhóm đối tượng phù hợp.
Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2017 diễn ra ngày 30.12.2016, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường cho biết trong năm 2017, TP.HCM sẽ nghiên cứu thực hiện nhiều giải pháp chống kẹt xe, trong đó có phương án làm việc lệch giờ lệch ca.
Phương án này đã được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu, báo cáo UBND TP quyết định.
Về phương án này, ông Lê Văn Khoa cho rằng dù đụng chạm nhưng vẫn phải nghiên cứu triển khai nhằm giảm ùn tắc đang ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, TP không chủ quan triển khai với nhóm đối tượng lớn, vì sẽ gây ra khó khăn mà làm thận trọng, chừng mực và theo khu vực có thể quản lý được.
Chủ trương học lệch giờ, làm lệch ca đã được chính quyền TP.HCM nghiên cứu từ năm 2001. Tuy nhiên, đến tháng 10.2007, TP mới đưa ra 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, trong đó giải pháp đầu tiên và được xem là trọng tâm chính là bố trí lại giờ làm việc và học tập.
Theo đề án này, tất cả cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn, kể cả bộ phận thực hiện dịch vụ hành chính công, tổ chức chính trị, xã hội thuộc thành phố đều bắt đầu làm từ 7 giờ 30 hoặc 8 giờ, kết thúc 16 giờ, 16 giờ 30 hoặc 17 giờ. Thế nhưng, đề án đã không được HĐND TP thông qua.
Đến năm 2009, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lại một lần nữa đưa ra đề xuất này. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, đề án này vẫn chưa được thông qua.
Theo số liệu từ Công an TP.HCM, mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM có có 800 xe máy, 200 ô tô đăng ký mới và hơn 10 triệu lượt xe lưu thông trên đường. Trong khi đó, theo Sở Giao thông vận tải TP, mật độ đường dành cho giao thông hiện nay chỉ đạt 1,98km/km2, chưa bằng 1/5 so với quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Năm 2016, TP.HCM cũng có đến 37 điểm kẹt xe, tăng 11 điểm so với năm 2015.
Phan Diệu