Đến hết năm kế hoạch 2020, nếu tỷ lệ giải ngân dưới 90% thì TP.HCM sẽ không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm cho người đứng đầu, chủ đầu tư và các cá nhân liên quan.

TP.HCM không chi thu nhập tăng thêm nếu giải ngân vốn dưới 90%

Phan Thị Diệu | 08/01/2020, 06:36

Đến hết năm kế hoạch 2020, nếu tỷ lệ giải ngân dưới 90% thì TP.HCM sẽ không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm cho người đứng đầu, chủ đầu tư và các cá nhân liên quan.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai, năm 2019, tổng số vốn đã giải ngân của thành phố là 22.274 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch vốn đã giao. Trong đó vốn Trung ương đã giải ngân là 2.483 tỉ đồng, đạt 84% kế hoạch; vốn ngân sách thành phố đã giải ngân là 19.790 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch. Dự kiến đến hết niên độ ngân sách năm 2019 (hết ngày 31.1.2020), tổng vốn đầu tư công được giải ngân là 24.617 tỉ đồng, đạt 93,6 % tổng kế hoạch vốn được giao.

Căn cứ hồ sơ về khối lượng hoàn thành và tình hình báo cáo của các đơn vị, Kho bạc Nhà nước TP.HCM dự báo kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công cả năm 2019, tính theo niên độ tài chính đến hết 31.1.2020 dự kiến đạt 24.617 tỉ đồng, đạt 93,6% kế hoạch; trong đó dự kiến vốn Trung ương đạt 98%, vốn ngân sách thành phố đạt 93%.

Bà Mai cho biết, trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công năm 2014, một số dự án vốn lớn vướng mắc về thủ tục đầu tư, chưa ký kết hiệp định vay. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố còn thực hiện chậm, kéo dài, đôi khi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Một số dự án thực hiện điều chỉnh nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; việc thực hiện giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án còn hạn chế, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư công, làm kéo dài thời gian trình, thẩm định và phê duyệt dự án.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, thành phố đã đạt được số theo kế hoạch và theo cam kết với Chính phủ về tỷ lệ giải ngân năm 2019. Tuy nhiên, kết quả giải ngân trong thời gian qua chưa đúng quy định, còn tình trạng tập trung ở các tháng cuối năm, ảnh hưởng một phần đến môi trường đầu tư kinh doanh, hiệu quả huy động các nguồn vốn xã hội khác và kế hoạch triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ.

Đáng chú ý, để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP.HCM vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị định có liên quan. Cạnh đó, lập danh mục dự án trọng điểm; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.

Các cơ quan, đơn vị cần phân nhóm các dự án gặp vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Thành phố yêu cầu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn Trung ương của từng dự án đạt ít nhất từ 90% trở lên. Các cơ quan, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm nếu có tỷ lệ giải ngân kế hoạch trong 3 tháng liên tiếp thấp hơn so với mức giải ngân trung bình của cả nước.

Đặc biệt, Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ không bố trí vốn cho các dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, không thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của TP.HCM, không thuộc nhiệm vụ chi ngân sách địa phương của thành phố.

Các chủ đầu tư có dự án được giao kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư năm 2020 phải cam kết hoàn tất công tác phê duyệt quyết định đầu tư trong năm. Trường hợp dự án đã được giao vốn chuẩn bị đầu tư nhưng đến hết ngày 31.12.2020 không được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư mà không có lý do khách quan, sẽ xem xét không tiếp tục giao vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án trong năm kế hoạch tiếp theo.

Các cơ quan, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm nếu để chậm trễ trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư làm tăng tổng mức đầu tư do trượt giá hoặc làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án so với chủ trương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất…

Tính đến ngày 31.7.2020, các dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân dưới 50% phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, chủ đầu tư và các cá nhân liên quan. Tính đến hết năm kế hoạch 2020, tỷ lệ giải ngân dưới 90% thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm cho người đứng đầu, chủ đầu tư và các cá nhân liên quan.

Được biết, năm 2020, tổng vốn đầu tư công trung ương bố trí cho TP.HCM là 8.198,552 tỉ đồng. Kế hoạch đầu tư công năm 2020 bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố là 33.952,364 tỉ đồng.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM không chi thu nhập tăng thêm nếu giải ngân vốn dưới 90%