Sáng 10.8, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với TP.HCM về kết quả kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo giải quyết 7 nội dung. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng quan tâm, sớm phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, giai đoạn 2 cũng như toàn dự án tuyến metro số 1 làm cơ sở cho TP.HCM thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án theo cam kết với các nhà tài trợ nước ngoài.
Đồng thời, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Khu công nghiệp chuyên ngành y dược tại TP.HCM vào danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư; tiếp tục cấp vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho Khu Công nghệ cao đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao mở rộng như đã hỗ trợ cho Khu Công nghệ cao trước đây với tỷ lệ vốn ngân sách trung ương 30% và vốn ngân sách TP.HCM là 70%.
TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện sớm thông qua quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị; Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM…
Trước đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin với đoàn, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, song những chính sách, cùng với các giải pháp triển khai của TP.HCM đã tạo chuyển biến.
Theo ông Phan Văn Mãi, Nghị quyết 98 là công cụ pháp lý quan trọng về thể chế tạo động lực, nâng cao hiệu quả của nền công vụ; xử lý những điểm nghẽn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng hạ tầng đô thị, bước đầu đem lại một số kết quả tích cực.
Cụ thể, TP.HCM ưu tiên bố trí 2.796 tỉ đồng cho chương trình giảm nghèo năm 2023 và đã giải ngân đạt 100% cho gần 39.000 khách hàng. Năm 2024, TP.HCM bố trí 998 tỉ đồng cho chương trình giảm nghèo và đã giải ngân 100% cho 13.658 lượt khách hàng vay vốn thuộc chương trình giảm nghèo.
TP cũng bố trí 1.500 tỉ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, TP bố trí 2.900 tỉ đồng cho dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong ngành văn hóa và thể thao với 23 dự án (tổng mức đầu tư gần 22.400 tỉ đồng).
Ngoài ra, TP quy định hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ; mức chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể với mức chi tối đa là 3 triệu đồng/biên chế có mặt/tháng đối với một số cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố…
TP đã thành lập Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM; đồng thời bố trí thêm 1 phó chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch UBND và hình thành bộ máy hoàn thiện TP.Thủ Đức; 1 phó chủ tịch UBND huyện cho 3 huyện (Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn) và 51/52 phó chủ tịch UBND đối với 51/52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50 ngàn người trở lên.
Cùng với đó, TP giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn thuộc TP giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026 với tổng số cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn là 7.037 người.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét TP đã có nhiều nỗ lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng kết quả trong 7 tháng đầu năm 2024 chưa đạt yêu cầu kế hoạch.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị TP.HCM cần có giải pháp quyết liệt trong 5 tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành dự toán Thủ tướng giao để được áp dụng điều khoản thưởng, đầu tư trở lại theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết 98.
TP.HCM cũng cần rà soát quá trình triển khai các cơ chế xem còn vướng mắc nào chưa phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội của TP, xác định rõ thẩm quyền xử lý, đề xuất kiến nghị, giải pháp, báo cáo Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo để xem xét, chỉ đạo xử lý.