TP.HCM đề xuất di dời các nhà máy, trạm nghiền xi măng ra khỏi thành phố theo lộ trình. TP.HCM chỉ cho phép đặt các trạm tiếp nhận, phân phối xi măng đạt yêu cầu vệ sinh môi trường trong các khu công nghiệp.
UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng điều chỉnhquy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, TP.HCM kiến nghị việc điều chỉnhtheo hướngkhông đầu tư mới các cơ sở sản xuất xi măng, bao gồm nhà máy sản xuất clinker và trạm nghiền trên địa bàn thành phố.
Đối với các cơ sở sản xuất xi măng hiện hữu, UBND TP.HCM cũng đề xuất di dời các nhà máy, trạm nghiền xi măng ra khỏi thành phố theo lộ trình. TP.HCMchỉ cho phép đặt các trạm tiếp nhận, phân phối xi măngđạt yêu cầu vệ sinh môi trường trong các khu công nghiệp (không được nung clinker,nghiền xi măng).
Việc này nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động trạm tiếp nhận, đáp ứng yêu cầu kinh doanh, phân phối cho thị trường.
Hiện tại, TP.HCM có 8 doanh nghiệp sản xuất xi măng với 9 trạm nghiền, trong đó 3 nhà máy không hoạt động trong khu công nghiệp.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, giá trị sản xuất ngành vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng rất thấp trong toàn ngành công nghiệp của thành phố, giảm từ 1% năm 2010 xuống còn 0,57% năm 2015. Trong giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất của ngành gần như không tăng. Điều này cho thấy ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không phải là ngành có thế mạnh của thành phố.
Chưa kể, nguồn tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng của TP.HCM hạn chế về chủng loại, phần lớn các mỏ khoáng sản có trữ lượng nhỏ, nhiều mỏ khoáng sản nằm trong khu dân cư, khu đô thị.
Do vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn tất di dời các nhà máy, trạm nghiền xi măng đến những địa phương có quy hoạch phù hợp, đồng thời di dời các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hoạt động không theo quy hoạch vào các khu công nghiệp hoặc sang địa phương khác.
Phan Diệu