Theo Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến tình hình kinh tế và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều nguồn thu giảm của TP.HCM giảm và mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ.

TP.HCM: Nguồn thu giảm mạnh, doanh nghiệp ‘điêu đứng’ vì Covid-19

18/02/2020, 16:57

Theo Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến tình hình kinh tế và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều nguồn thu giảm của TP.HCM giảm và mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ.

Ngành du lịch TP.HCM giảm mạnh vì Covid-19 - Ảnh: Internet

Ngày 18.2, UBND TP.HCM tổ chức họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội tháng 1.2020. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến tình hình kinh tế và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều nguồn thu giảm của TP.HCM giảm và mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ.

Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp 2 tháng đầu năm tuy tăng 1,25% so với cùng kỳ (là loại thu có tốc độ tăng cao nhất trong 2 loại thu chính) nhưng đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Thuế thu nhập cá nhân tuy tăng 7,92% so với cùng kỳ nhưng cũng có mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm qua. Bà Phạm Thị Hồng Hà cho rằng nguyên nhân của sự sụt giảm là do hoạt động chuyển nhượng bất động sản và hoạt động đầu tư vốn của cá nhân giảm.

Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm 6,02% so với cùng kỳ. Mức giảm chủ yếu ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng như bia, thuốc lá, ô tô.

Trong khi đó, thuế giá trị gia tăng (VAT) thì chỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cao nhất (5%) song các khu vực còn lại đều giảm (khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương giảm 10,8%, khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm 6%, khu vực ngoài quốc doanh giảm 3,13%). Tính chung, thuế VAT giảm 1,46% so với cùng kỳ.

Tương tự, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho biết, trong tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 3,99 % (cùng kỳ tăng hơn 5%).

Trong đó, một số ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 24,61%; sản xuất kim loại giảm 39,65%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 20,69%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 15,04%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 13,92%...

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị ngành công thương đề xuất những biện pháp để những tháng tiếp theo, đặc biệt là trong quý 1/2020 không để tình hình giảm sút, nhất là 4 ngành công nghiệp chủ lực. Đồng thời, ông Phong đề nghị thành phố nên có kiến nghị về thuế hỗ trợ đối với ngành du lịch và các doanh nghiệp nhỏ lẻ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cần có định hướng đầu tư cho lượng kiều hối về TP.HCM do hàng năm thành phố tiếp nhận hơn 5 tỉ đô la Mỹ kiều hối, 72% đã dành cho đầu tư sản xuất.

Ngoài ra, ông Phong cũng thông tin, TP.HCM đã có chiến lược phát triển các sản phẩm chủ lực, đề án logistis và thương mại điện tử nên các đơn vị cần rà soát lại các chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.HCM nhằm đẩy mạnh giao lưu hàng hóa giữa EU và Việt Nam sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) vào ngày 12.2 vừa qua.

Đáng chú ý, trước thực trạng thị trường bất động sản TP.HCM sụt giảm mạnh, doanh nghiệp bất động sản khó khăn, ông Phong cũng yêu cầu các sở, ngành phải lắng nghe, tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhất là các dự án được Chính phủ và bộ, ngành cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ.

TP.HCM đã thành lập tổ công tác về đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng. Ông Phong yêu cầu Văn phòng UBND TP.HCM sắp xếp lịch họp hàng tuần cho tổ công tác. Nếu các ngày trong tuần bận công việc thì có thể xếp lịch vào thứ bảy hoặc chủ nhật để giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Nguồn thu giảm mạnh, doanh nghiệp ‘điêu đứng’ vì Covid-19