Chánh thanh tra Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Minh Lý khẳng định TP.HCM chưa phát hiện các hành vi "chặt chém" hay chèo kéo du khách mua hàng và quyết không để xảy ra tình trạng này.
Sở Du lịch TP.HCM ngày 18.4 đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch năm 2022 đến các quận, huyện, TP.Thủ Đức và các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành nhằm giúp các đơn vị nắm bắt chính sách, văn bản pháp luật mới.
Bài trừ nạn chặt chém
Ông Phạm Cao Thái, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho biết từ ngày 15.3, hoạt động du lịch cả nước gần như trở lại bình thường. Thế nhưng gần đây, xuất hiện một số cơ sở du lịch có hành vi tranh giành, nài ép khách, phân biệt đối xử với khách... từ đó đã tạo ra các vùng/nơi chỉ tiếp đón nhóm khách nhất định.
Ông Thái khẳng định đây là điều không được phép. Theo quy định, các hoạt động du lịch, lữ hành có hành vi nài ép du khách mua hàng hóa, dịch vụ, hoặc phân biệt đối xử với khách du lịch... sẽ bị xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, ông Phạm Cao Thái cũng cho biết quy định hiện hành và mức xử phạt hành chính đối những hành vi này từ 1-3 triệu đồng là không cao, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra để xử phạt nghiêm hơn.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cũng thừa nhận tại TP vẫn còn tình trạng chèo kéo, "chặt chém" du khách dù Sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Lý, Chánh thanh tra Sở Du lịch TP.HCM lại khẳng định: "TP.HCM chưa phát hiện các hành vi "chặt chém" hay chèo kéo du khách mua hàng. Hiện nay, đơn vị cũng đang thực hiện các chuyên đề về thanh tra kiểm tra các cơ sở du lịch, điểm đến, công ty lữ hành... để ngăn chặn những hành vi làm ảnh hưởng đến ngành du lịch của thành phố".
Ông Lý cho biết thêm ngành cũng đã có quy chế phối hợp với công an hay kết hợp với lực lượng thanh niên xung phong, đội bảo vệ du khách để ghi nhận và xử lý nhanh nạn "chặt chém" hoặc tình trạng cắt chương trình tour, đưa du khách đến những điểm mua sắm mà du khách không muốn… Ngoài ra, sở cũng có đường dây nóng để nhận phản ánh từ du khách về nạn "chặt chém" hoặc các vấn đề khác.
Xử lý nghiêm hướng dẫn viên du lịch xuyên tạc lịch sử
Về vấn đề hướng dẫn viên du lịch, thời gian qua phát hiện một số trường hợp hướng dẫn viên sử dụng thẻ giả để hành nghề; hướng dẫn viên cung cấp thông tin sai sự thật, thậm chí xuyên tạc lịch sử…
Ông Phạm Cao Thái cho hay, kết quả thanh tra (trước đây) tại một số điểm đến du lịch ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh… phát hiện nhiều trường hợp hướng dẫn viên sử dụng thẻ giả, nhất là giai đoạn khách Hàn Quốc bùng nổ. Đối với các trường hợp hướng dẫn viên cung cấp sai thông tin cho du khách, xuyên tạc lịch sử, dùng thẻ giả… sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Minh Lý cho biết, trong quá trình kiểm tra, giám sát, ngành du lịch TP.HCM có phát hiện một số trường hợp sử dụng thẻ hướng dẫn viên không hợp lệ, nghi ngờ thẻ giả và đã chuyển những trường hợp này cho cơ quan công an xử lý
"Xã hội ngày càng phát triển, các phương tiện về công nghệ thông tin rất phổ biến, nên bất cứ hành vi nào phản cảm, trái pháp luật đều được phản ánh qua các diễn đàn, mạng xã hội, được dư luận xã hội rất quan tâm. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại đến doanh nghiệp du lịch mà có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của cả một vùng, quốc gia. Nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng rà soát, xử lý ngay khi nhận được phản ánh của du khách".
Ông Phạm Cao Thái