Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, lãnh đạo thành phố luôn quán triệt việc bảo vệ, quản lý chặt chẽ để đảm bảo cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái, tránh tình trạng lấn chiếm sông Sài Gòn.

TP.HCM sẽ quản lý chặt chẽ, tránh lấn chiếm sông Sài Gòn

Phan Diệu | 31/10/2017, 06:33

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, lãnh đạo thành phố luôn quán triệt việc bảo vệ, quản lý chặt chẽ để đảm bảo cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái, tránh tình trạng lấn chiếm sông Sài Gòn.

Ngày 30.10, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp báo cùng các Sở, ban ngành để trả lời những vấn đề nóng trong thời gian vừa qua mà báo chí đã nêu.

Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về vấn đề khai thác cát trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, việc quản lý tài nguyên vốn không có biên giới, tất cả các tỉnh thành đều có thể dùng tài nguyên, trong đó có tài nguyên cát để phục vụ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Năm 2013, TP.HCM đã ban hành quy hoạch và khai thác sử dụng khoáng sản nói chung, trong đó có khai thác cát. Từ thời điểm đó đến nay, TP.HCM không cấp bất kỳ một giấy phép về khai thác cát trên địa bàn thành phố.

Đối với tình trạng khai thác cát xảy ra trên địa bàn huyện Cần Giờ vừa qua, TP.HCM và các tỉnh lân cận phối hợp chặt chẽ và đấu tranh xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tại huyện Cần Giờ, địa bàn giáp ranh với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, lực lượng chức năng của thành phố đã xử lý 32 vụ khai thác cát trái phép.

Tuy nhiên, để xử lý vấn đề khai thác cát khu vực biển Cần Giờ thì cần kiểm soát chặt chẽ và có giải pháp phối hợp hiệu quả.

Về việc dư luận băn khoăn có hay không sự bảo kê của lực lượng chức năng đối với nạn “cát tặc” đang hoành hành, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng tập trung và giải quyết xử lý đến nơi đến chốn vấn đề khai thác cát lậu. Còn việc bảo kê đến nay chưa phát hiện, nếu có sẽ kiên quyết xử lý vấn đề này.

Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng nói rằng, TP.HCM nhận thức tài nguyên cát là có ý nghĩa quan trọng với thành phố. Việc khai thác cát không có kế hoạch, không theo quy hoạch thì dễ ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố, nhất là trong bối cảnh mỗi năm thành phố bị lún và xảy ra nhiều vụ sạt lún bờ sông, kênh rạch.Thế nhưng đối với các dự án trọng điểm vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội chung thì thành phố chủ trương cho phép khai thác nhưng vẫn phải nằm trong kế hoạch và theo chương trình cụ thể.

“Hiện nay, nguồn cát đang khan hiếm và thị trường cát đang có nhiều biến động. Một số cá nhân, tổ chức lợi dụng vị trí giáp ranh giữa TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để khai thác cát lậu nên đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Vì vậy, lãnh đạo UBND thành phố đề nghị các lực lượng chức năng trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ đội Biên phòng thành phố quyết liệt vào cuộc để xử lý; UBND huyện Cần Giờ kiểm soát chặt chẽ các bến bãi tập kết cát”, ông Hoan nói.

Trong khi đó, đề cập đến tình trạng lãng phí đất công, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, TP.HCM đã có nghị quyết về việc rà soát tổng thể, kể cả đất được giao cho các đơn vị đang sử dụng hoặc đất giao cho dự án nhưng chậm triển khai.

Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015, TP.HCM thu hồi 576 dự án được chấp thuận chủ trường đầu tư nhưng không triển khai gây ra lãng phí. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục rà soát ở giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 1.283 dự án; trong đó có trên 280 dự án hiện nay dấu hiệu chậm tiến độ nên đang tập trung phân loại, đối chiếu quy định pháp luật để xử lý vấn đề này.

Mặc dù vậy, trong thực tế hiện nay vẫn còn những trường hợp lãng phí mà báo chí đăng tải là có, nhưng những trường hợp này đang nằm trong quá trình kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

Về các trường hợp lấn sông Sài Gòn, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay, lãnh đạo thành phố luôn quán triệt việc bảo vệ, quản lý chặt chẽ các bờ sông lớn, trong đó có bờ sông Sài Gòn.

Các bờ sông có cảnh đẹp sẽ được lưu ý để tổ chức lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, đảm bảo cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái, tránh tình trạng lấn chiếm.

Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cũng khẳng định, thành phố nhận thức được vai trò đặc biệt của dòng sông Sài Gòn đối với sự hình thành và phát triển của thành phố trên tất cả phương diện.

Do đó, TP.HCM đã ban hành các quyết định để bảo vệ hành lang sông, kênh rạch, mương trên địa bàn; trong đó sông Sài Gòn tuyệt đối không cho bất cứ ai chiếm dụng hành lang bảo vệ sông.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM sẽ quản lý chặt chẽ, tránh lấn chiếm sông Sài Gòn