Lực lượng shipper tại TP.HCM đăng ký hoạt động lên đến gần 90.000 người, tăng 5 lần so với thời điểm trước khi hoạt động liên quận. Việc này khiến các trạm y tế xét nghiệm quá tải.

TP.HCM: Shipper tăng gấp 5 lần, các trạm y tế xét nghiệm quá tải

Hồ Đông | 20/09/2021, 19:51

Lực lượng shipper tại TP.HCM đăng ký hoạt động lên đến gần 90.000 người, tăng 5 lần so với thời điểm trước khi hoạt động liên quận. Việc này khiến các trạm y tế xét nghiệm quá tải.

Sẽ linh động trong việc xét nghiệm cho shipper

Ngày 20.9, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, qua theo dõi khi thành phố có chủ trương cho shipper hoạt động trở lại, thì có khoảng 20.000 shipper hoạt động. Hai ngày qua, số lượng shipper đủ điều kiện đăng ký hoạt động trở lại là rất lớn, lên đến 82.000 người.

Ông Phương cho rằng chủ trương để shipper hoạt động liên quận trở lại là đúng đắn. Trong ngày 19.9, có 24.000 shipper hoạt động giao hơn 500.000 đơn hàng. Việc shipper hoạt động liên quận giúp cho tình hình cung ứng hàng hóa dễ dàng hơn, đồng thời giúp cho chính các shipper có việc làm.

Tuy nhiên, với lượng đăng ký trên 82.000 shipper là vượt quá năng lực của các trạm y tế. Trước tình trạng này, từ ngày mai (21.9), các shipper sẽ được xét nghiệm linh động từ 6 giờ đến 21 giờ tại hơn 800 trạm y tế, không nhất thiết phải xét nghiệm trên địa bàn cư trú. Việc này nhằm hạn chế tình trạng shipper xếp hàng chờ xét nghiệm như hiện nay.

Theo ghi nhận của Một Thế Giới, trong ngày 20.9, lực lượng shipper tại TP.HCM gặp khó khăn trong việc xét nghiệm định kỳ do các trạm y tế lưu động quá tải. Tình trạng này xuất hiện tại nhiều địa bàn tại TP.HCM như các quận Gò Vấp, Tân Bình, 4, 5, 12. Không riêng gì các trạm lưu động, nhiều trạm y tế phường cũng rơi vào tình trạng quá tải, shipper xếp hàng rất đông, dài cả trăm mét. Nguyên nhân quá tải là lượng shipper được hoạt động tại TP.HCM tăng mạnh sau khi Sở Công Thương gỡ bỏ giới hạn lượng shipper được ra đường.

Cụ thể, những ngày trước đó lượng shipper hoạt động quanh mức 20.000 người, nhưng tới ngày 17.9 đã tăng lên 24.200 người đăng ký hoạt động. Ngày 18.9, số shipper đăng ký lên 33.500 người. Ngày 19.9, con số này tăng vọt lên tới 82.160 shipper đăng ký hoạt động. Trước nhu cầu như vậy, Sở Công Thương đã chuyển số liệu qua Sở Y tế để có sự hỗ trợ, tính toán nguồn lực phân bổ cho công tác xét nghiệm cho khoảng 90.000 shipper đăng ký. Như vậy, nhu cầu xét nghiệm hằng ngày của đội ngũ shipper đã tăng 5 lần.

xet-nghiem-cho-shipper.jpeg
TP.HCM tiếp tục thực hiện xét nghiệm test nhanh COVID-19 miễn phí cho lực lượng shipper - Ảnh: HCDC

Hạn chế việc tăng giá giao hàng

Việc số shipper hoạt động trở lại tăng cao đã khiến việc đi chợ hộ, giao hàng của người dân không còn quá tải. Khảo sát của PV trong hôm nay cho thấy trên nhiều ứng dụng, dịch vụ giao hàng đã nhanh chóng hơn so với những ngày trước. Trên các hội nhóm dân cư các quận huyện TP.HCM, hoạt động mua, bán online thực phẩm cũng nhộn nhịp hơn. Nhiều shipper cũng chia sẻ tình trạng thông tin trong danh sách đăng ký của Sở Công Thương "lúc ẩn lúc hiện" những ngày qua đã không còn.

Liên quan đến giá cước giao hàng tăng cao, Sở Công Thương cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao nhận hàng hóa không được lợi dụng việc hạn chế đi lại của người dân để nâng giá.

Theo đó, trong văn bản Sở Công Thương gửi các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao nhận hàng hóa (dịch vụ shipper công nghệ) về việc giá dịch vụ giao nhận hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ thị 16, đơn vị này yêu cầu các hãng không được lợi dụng việc hạn chế đi lại của người dân để nâng giá trục lợi.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Sở Công Thương ghi nhận người dân thường xuyên phản ánh mức giá dịch vụ shipper tăng cao, dù thành phố đang miễn xét nghiệm và tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động của shipper.

"Trong điều kiện thu nhập của người dân bị giảm sút nghiêm trọng vì dịch bệnh COVID-19, để thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng hành của lực lượng shipper cùng nhân dân TP.HCM vượt qua đại dịch, Sở Công Thương đề nghị doanh nghiệp áp dụng mức giá dịch vụ giao nhận hàng hóa ngang bằng với mức giá trong khung giờ bình thường, trong thời gian chưa áp dụng giãn cách xã hội và không áp dụng mức giá giờ cao điểm. Các hãng tuyệt đối không được lợi dụng việc hạn chế đi lại của người dân để nâng giá nhằm trục lợi”, Sở Công Thương nêu rõ.

Bài liên quan
DN kiến nghị: Không phải cứ có ca F0 là đóng cửa toàn bộ nhà máy
Nhiều DN kiến nghị, sau khi hoạt động trở lại, nếu có F0 nào được phát hiện tại dây chuyền sản xuất, thì chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, không phải đóng toàn bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Shipper tăng gấp 5 lần, các trạm y tế xét nghiệm quá tải