Ngày mai, 25.8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên cuối cùng để đi đến thống nhất về mức lương tối thiểu vùng 2016.
Doanh nghiệp “than trời”
Trước đó, phiên họp ngày 5.8 vẫn chưa thống nhất được về mức tăng lương tối thiểu vùng, vì đề xuất của các bên có liên quan đến người lao động chênh lệch quá lớn.
Theo đó, đại diện chủ sử dụng lao động - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI đề xuất mức tăng 6 - 7% và chỉ đồng ý với mức tăng 10% (tăng 250.000 đồng so với năm 2015). Còn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) lại đề xuất tăng lương tối thiểu lên 16,8% (từ 350.000 đến 550.000 đồng tùy từng vùng so với năm 2015).
Đại diện VCCI cho rằng, phương án tăng lương tối thiểu mà LĐLĐ đưa ra là không có căn cứ thực tiễn, không phù hợp với năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam hiện nay, gây khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguy cơ thất nghiệp cho người lao động. VCCI phân tích, Khi Luật BHXH mới được áp dụng đầu năm 2016, việc đóng bảo hiểm sẽ căn cứ trên tổng thu nhập của người lao động. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực về chi phí rất lớn.
Nếu tăng lương tối thiểu lên 10%, đồng thời đóng bảo hiểm theo Luật BHXH mới, doanh nghiệp phải mất chi phí 7%. Như vậy, mức tăng tổng cộng là 17%. Với lập luận này, VCCI cho rằng mức tăng 10% cũng đã đủ sức khiến doanh nghiệp bị quá tải. Điều này, dẫn đến mối nguy hại là một phần người lao động đang có việc làm bị buộc phải nghỉ việc, để doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí.
Nhưng mặc cho doanh nghiệp “than trời”, LĐLĐ VN vẫn giữ nguyên quan điểm với mức tăng lương 16,8%. Theo đó, Tổng liên đoàn đã thực hiện khảo sát 1.600 lao động thuộc các ngành dệt may, giày da, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử tại 10 tỉnh thành với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương.
Kết quả cho thấy 20% lao động không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy. Mức chi tiêu trung bình của người lao động phải nuôi con là hơn 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Ngoài ra, có 39,7% người lao động cho rằng mức điều chỉnh còn thấp, và đến 20,6% người lao động không hề biết được tăng lương.
Liệu có tiếp tục giãn lộ trình?
Hầu như năm nào cũng vậy, các phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia thường có chênh lệch rất lớn về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng mà các bên liên quan đến người lao động đưa ra.
Trên thực tế, lộ trình tăng lương tối thiểu đã được bắt đầu từ năm 2012. Kết luận số 23-KL/TƯ, ngày 29.5.2012 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI nêu rõ: “Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu”.
Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam |
Ông Đặng Ngọc Tùng cho biết thêm, nếu đồng ý với VCCI, tăng lương tối thiểu vùng ở mức 10% - 11%, trừ đi 5,6% CPI thì tức là năm 2016, thực tế lương tối thiểu vùng chỉ tăng thêm 4,4-5,4%. Vậy là năm 2017, buộc phải đưa ra mức tặng 20% mới có thể đạt mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Ông Đặng Ngọc Tùng nói: “Nếu năm 2016 chỉ tăng 4 – 5%, thì làm sao năm 2017 có thể tăng đột biến đến 20% được?”.
Bá Nguyễn – Công Duy