Ngày 1.8, trao đổi với báo giới liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn thành phố, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP đã giao Sở Công Thương thực hiện thí điểm đề án trên. Đây là một trong những giải pháp để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm mà thành phố đang triển khai và rất quan tâm.

TP.HCM thí điểm dùng điện thoại đẩy lùi thịt heo bẩn

Phan Diệu | 02/08/2016, 06:15

Ngày 1.8, trao đổi với báo giới liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn thành phố, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP đã giao Sở Công Thương thực hiện thí điểm đề án trên. Đây là một trong những giải pháp để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm mà thành phố đang triển khai và rất quan tâm.

Việc này nhằm tạo điều kiện cho người dân lựa chọn sản phẩm sạch cũng như giúp người kinh doanh lựa chọn phương thức kinh doanh và từng bước loại trừ hoạt động kinh doanh sai trái; thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, người kinh doanh không lành mạnh thay đổi hình thức kinh doanh.

UBND TP cũng yêu cầu Sở Công Thương xây dựng quy chế quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị; trong đó quy định các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ, quảng bá cho đơn vị tham gia cũng như đảm bảo tính cạnh tranh và bình đẳng cho mọi đối tượng tham gia...Đồng thời, thông tin về đường dây nóng để hướng dẫn người dân giám sát, cung cấp thông tin, tố cáo hoạt động giết mổ lậu.

Về thời điểm triển khai, ông Hoan nói đề án này là một trong những giải pháp để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm mà thành phố đang triển khai và rất quan tâm. Do đó, sau khi Sở Nội vụ trình đề án này cho UBND TP thì lãnh đạo thành phố sẽ có buổi họp xem xét và thông qua.

Trước mắt, giải pháp này sẽ được triển khai đối với mặt hàng thịt heo, sau đó là thịt gia cầm, rau củ quả...

Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ kiểm soát từ cổng trang trại chăn nuôi đến tay người tiêu dùng. Giai đoạn 2 kiểm soát tất cả thông tin vòng đời của heo từ khi sinh ra đến khi xuất chuồng.

Theo quy trình này, tại trại chăn nuôi, vòng nhận diện được trại nuôi heo kích hoạt bằng smart phone hay máy chuyên dụng và được đeo vào hai chân sau của heo. Khi heo xuất chuồng, nếu đạt chuẩn có thể cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y điện tử. Trong quá trình mổ, kiểm dịch viên xác nhận đủ tiêu chuẩn bằng cách đóng mộc lên nửa thân heo, đóng tem vệ sinh thú y điện tử vào heo.

Tiếp theo, Ban quản lý chợ đầu mối và kiểm dịch viên dùng máy đọc để kiểm tra, xác nhận. Chủ đại lý chỉ nhận heo có mã xác nhận nhập hàng, đồng thời, niêm phong các thùng thịt bán cho tiểu thương. Tiểu thương dùng smart phone kích hoạt dán “Tem tiểu thương” lên tờ in mã vạch, sau đó dán mã vạch bằng giấy lên miếng thịt đã cân cho khách, các thông tin sẽ truyền qua mã vạch. Đáng chú ý, tổng chi phí truy xuất nguồn gốc cho 1 con heo từ trang trại đến bàn ăn chỉ tốn 9.800 đồng.

Theo đề án này, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh quét lên “con tem” và sẽ nhận được đầy đủ thông tin liên quan như xuất xứ trại heo, ngày xuất chuồng, tên kiểm dịch viên, thời gian giết mổ, lò giết mổ... Trong trường hợp người tiêu dùng không có điện thoại, chương trình sẽ đặt thiết bị truy xuất nguồn gốc chuyên dụng tại các chợ để người mua kiểm tra miễn phí.

Được biết, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ từ 10.000-10.500 con heo nhưng nguồn nuôi trên địa bàn chỉ chiếm 18%-20%, còn lại từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... Nguồn heo giết mổ tại TP.HCM được kiểm soát từ 7.300-7.500 con/đêm, còn lại giết mổ từ tỉnh rồi đưa về chợ Bình Điền.

Chưa kể, lượng giao dịch heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền là rất lớn, trung bình là là 4.300-4.500 lượt tại chợ Hóc Môn và 2.300-2.400 lượt tại chợ Bình Điền. Toàn bộ giao dịch chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, từ 0 giờ đến 6 giờ nên tiểu thương không dễ thực hiện thêm thao tác nhập dữ liệu.

Ngoài ra, theo Chánh văn phòng UBND TP.HCM, tới đây, TP.HCM sẽ còn thành lập trung tâm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo mô hình quy về một mối, tức là một cơ quan sẽ quản lý tất cảvấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì nhiệm vụ của nhiều sở, ngành như trước.

Như vậy, việc lập đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn thành phố có thể coi là động thái tích cực của lãnh đạo TP.HCM trong việc đẩy lùi thực phẩm bẩn đang tràn lan như hiện nay.

Phan Diệu
Bài liên quan
Chủ tịch UBND TP.HCM: Làm công chức là phải phụng sự
Ngày 16.1, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025 của Sở Nội vụ. Ông Phan Văn Mãi đề nghị ngành nội vụ tập trung cao độ cho các nhiệm vụ trong năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM thí điểm dùng điện thoại đẩy lùi thịt heo bẩn