TP.HCM yêu cầu thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 mang kiểu dáng kiến trúc hiện đại, mỹ thuật cao, hướng đến việc xây dựng hình ảnh cây cầu này là biểu tượng của tri thức, khoa học và hiện đại.

TP.HCM: Thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 mang tính biểu tượng tri thức, khoa học

Phan Thị Diệu | 17/09/2020, 12:04

TP.HCM yêu cầu thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 mang kiểu dáng kiến trúc hiện đại, mỹ thuật cao, hướng đến việc xây dựng hình ảnh cây cầu này là biểu tượng của tri thức, khoa học và hiện đại.

Ngày 17.9, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP.HCM vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (Sở QH-KT) phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện thêm phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4.

UBND TP.HCM lưu ý công trình cầu Thủ Thiêm 4 kết nối giữa quận 7 (khu vực phía nam) với quận 2 (khu vực phía đông) trong tương lai là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông - thành phố Thủ Đức. Vì vậy, phương án thiết kế công trình cầu Thủ Thêm 4 cần có kiểu dáng kiến trúc hiện đại, mỹ thuật cao, là biểu tượng của tri thức, khoa học và hiện đại với tinh thần năng động sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP.HCM.

Ngoài việc thiết kế cầu Thủ Thiêm 4, UBND TP.HCM cũng giao Sở QH-KT phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Cầu này chỉ sử dụng cho người đi bộ và phương tiện đi lại của người khuyết tật; cấm các phương tiện giao thông khác cũng như cấm các hình thức buôn bán, kinh doanh trên cầu.

Theo đơn vị tư vấn có phương án thiết kế kiến trúc được hội đồng tuyển chọn, cầu Thủ Thiêm 4được thiết kế theo ý tưởng “tre Việt Nam”. Thiết kế chi tiết kết cấu vòm cầu thể hiện rõ cấu trúc cách điệu các đốt tre lắp ghép; trụ đèn chiếu sáng, lan can cầu cách điệu từ hình ảnh chiếc cầu tre; phương án chiếu sáng đổi màu, cường độ theo từng khung giờ, chiếu sáng nhịp dẫn hài hòavới cấu trúc tổng thể cầu.

Trước đó, vào tháng 5.2020, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng chỉ đạo các đơn vị khẩn trương nghiên cứu phương án thiết kế kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4, đề xuất phương án tổ chức giao thông phía quận 7 tối ưu nhất.Ông Hoan đề nghị phương án đề xuất phải thuận lợi cho các phương tiện lưu thông trên trục đường Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Văn Linh dễ dàng tiếp cận lối lên và xuống cầu Thủ Thiêm 4. Đặc biệt, lãnh đạo UBND TP.HCM còn lưu ý nút giao Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát (ngay phía trước Khu chế xuất Tân Thuận) thường xuyên ách tắc giao thông vào giờ cao điểm và khi công nhân tan tầm.

Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng chiều dài khoảng 2.160m, được xây dựng trên địa bàn quận 2 và quận 7, bắt đầu từ trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh (khoảng 200m về phía giao lộ trục đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập).

Cây cầu này sẽ đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu đến ngã tư giao với Huỳnh Tấn Phát thì rẽ trái, kết nối vào đường Lưu Trọng Lư - vị trí quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4, cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt qua sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 tại đường trục Bắc Nam, sau đó kết thúc tại điểm giao với tuyến R4.

Dự án xây cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 5.254 tỉ đồng.

Theo UBND TP.HCM, việc đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 là rất cần thiết và cấp bách để giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè; giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn quận 4, quận 7. Dự án còn giúp kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của thành phố và quận 4, quận 7, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị mới phía Nam.

Công trình này khi hoàn thành sẽ góp phần giảm áp lực giao thông trên hệ thống giao thông hiện hữu cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường. Cầu Thủ Thiêm 4 còn giúp TP.HCM chỉnh trang đô thị, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 mang tính biểu tượng tri thức, khoa học