Thông tư 40 của Bộ Y tế cho phép thông tuyến đến tuyến quận - huyện đang xảy ra thực trạng hàng loạt bệnh nhân ở TP.HCM bỏ trạm y tế chuyển sang khám chữa bệnh tại các bệnh viện quận - huyện dù có không ít bệnh nhân đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế. Điều này đang khiến cho chủ trương kéo bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế của Sở Y tế TP có nguy cơ phá sản.

TP.HCM: Thông tư 40 đang khiến các trạm y tế điêu đứng

Một Thế Giới | 30/01/2016, 09:32

Thông tư 40 của Bộ Y tế cho phép thông tuyến đến tuyến quận - huyện đang xảy ra thực trạng hàng loạt bệnh nhân ở TP.HCM bỏ trạm y tế chuyển sang khám chữa bệnh tại các bệnh viện quận - huyện dù có không ít bệnh nhân đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế. Điều này đang khiến cho chủ trương kéo bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế của Sở Y tế TP có nguy cơ phá sản.

Các trạm y tế điêu đứng
Đến nay là đúng 1 tháng kể từ khi thực hiện Thông tư 40 của Bộ Y tế (1.1.2016) cho thông tuyến đến tuyến quận – huyện.
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, trong tháng 1.2016, số người đăng ký khám chữa bệnh BHYT (BHYT) ban đầu tại trạm y tế giảm đáng kể so với tháng trước. Từ 9.893 người đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại trạm y tế trong tháng 12  giảm xuống còn 7.048 trong tháng 1.2016.
Điều đáng nói là số bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế trong tháng 1 là rất thấp, nhiều trạm y tế không tiếp nhận được bệnh nhân. Số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh tại trạm y tế đã giảm đến 46,2% so với tháng trước, từ 6.417 lượt xuống còn 4.055 lượt.
Theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Phó phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM), sở dĩ xảy ra tình trạng này là do Thông tư 40 cho thông tuyến, bệnh nhân đã ùn ùn chọn các bệnh viện quận – huyện có chất lượng cao để có được khám chữa bệnh tốt hơn.
Ước tính sự dịch chuyển bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại xã – phường chuyển lên bệnh viện quận – huyện khám chữa bệnh là khoảng 2,5%.
Đây chỉ mới là tháng đầu tiên thực hiện Thông 40 nhưng đã có sự dịch chuyển lớn bệnh nhân khiến cho ngành y tế TP cảm thấy thật sự lo lắng. Vào những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sự dịch chuyển này còn cao hơn.
Theo nhận định của TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nếu tình trạng này tiếp diễn thì chủ trương của TP thu hút bệnh nhân về trạm y tế khám chữa bệnh ban đầu theo mô hình, cách thức từ trước đến nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các trạm y tế ở nội thành sẽ vắng bệnh nhân. Điều này đang có nguy cơ làm phá sản đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại trạm y tế mà Sở Y tế đã ban hành.
“Trước tình hình trên, bên cạnh triển khai đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại trạm y tế, Sở Y tế TP sẽ nghiên cứu triển khai mô hình mới, cách thức mới để làm sao giữ chân được bệnh nhân đến với trạm y tế”, ông Thượng cho biết.
Phải phát triển bền vững
Tại Hội nghị sơ kết 1 tháng liên thông thẻ BHYT , triển khai các hướng dẫn mới về khám chữa bệnh BHYT hôm 29.1, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong tháng 1.2016, tại 30 bệnh viện, phòng khám trực thuộc tuyến quận – huyện trên địa bàn TP có đến 20 bệnh viện có số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT giảm hơn so với tháng 12.
Trong đó, bệnh viện có tỷ lệ lượt bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT giảm cao nhất chính là Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn, giảm đến 34,1%, từ 26.959 lượt khám chữa bệnh BHYT tháng 12 xuống còn 17.763 lượt trong tháng 1; kế đến là Bệnh viện Xuyên Á giảm 28,9%, từ 13.570 lượt xuống còn 9.653 lượt; Bệnh viện quận 9 giảm 20,5%, từ 7.585 lượt giảm xuống còn 6.032 lượt….
Sự sút giảm này, theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM là có phần do tỷ lệ chung khám chữa bệnh BHYT ở các bệnh viện quận – huyện tháng 1 giảm hơn so với tháng trước là 9,5%, từ 436.851 lượt giảm xuống còn 395.437 lượt.
Tuy nhiên theo bà Thoa, việc có đến 11 bệnh viện tuyến quận – huyện có lượt khám chữa bệnh BHYT giảm đến trên 10%, cao hơn ngưỡng giảm chung của TP là có hiện tượng dịch chuyển người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu từ bệnh viện quận – huyện này chuyển sang khám chữa bệnh tại bệnh viện quận – huyện khác. Trong đó, thấy rõ nhất là ở các bệnh viện: Bệnh xá sư đoàn 9, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện quận Bình Tân… có khá nhiều bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở các bệnh viện quận – huyện khác đến đây khám, chữa bệnh.
Chính vì điều này, trong lúc tình hình khám chữa bệnh BHYT ở các bệnh viện quận – huyện giảm so với tháng trước, nhưng có một số bệnh viện lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh lại tăng cao. Điển hình, Bệnh xá sư đoàn 9 tăng đến 91%, từ 312 lượt lên 594 lượt;  Bệnh viện quận Bình Tân tăng 34,6%, từ 8.641 lượt lên 11.631 lượt; Bệnh viện quận Thủ Đức tăng 6,59%, từ 40.059 lượt lên 51.225 lượt; Bệnh viện quận 1 tăng 31,2%, từ 12.299 lượt lên 16.135 lượt; Bệnh viện quận 2 tăng 10,8%, từ 19.105 lượt lên 21.167 lượt…
Bà Thoa cho rằng nguyên nhân là do người bệnh tin tưởng ở một số bệnh viện quận – huyện có chất lượng cao, uy tín. Sự lựa chọn này của bệnh nhân là điều khiến các cơ sở khám chữa bệnh cần phải suy nghĩ.
Trong tình hình hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh phải phát triển bền vững trên thế kiềng 3 chân. Việc phát triển chuyên môn kỹ thuật phải đảm bảo độ bao phủ mô hình bệnh tật, cải tiến chất lượng, đổi mới phong cách phục vụ, lấy người bệnh là trung tâm và mọi hoạt động phải tuân thủ pháp luật, quy định, quy chế của ngành.
Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết sau bão
Một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc hồi phục kinh tế sau bão là hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ… cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Thông tư 40 đang khiến các trạm y tế điêu đứng