Cục Đăng kiểm Việt Nam đang đề xuất các đăng kiểm viên chỉ cần có tay nghề, không cần có bằng đại học.

Vì sao đăng kiểm viên không cần phải có bằng đại học?

Tuyết Nhung | 27/03/2023, 13:55

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang đề xuất các đăng kiểm viên chỉ cần có tay nghề, không cần có bằng đại học.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang đề xuất sửa đổi Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới nhằm xóa điểm nghẽn trong lĩnh vực này.

Cục đề xuất cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, có thời gian thực tập nghiệp vụ được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên. Trong khi đó, quy định hiện hành bắt buộc đăng kiểm viên có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí.

"Đăng kiểm là ngành nghề kỹ thuật, những người làm kỹ thuật có tay nghề cũng có thể trở thành đăng kiểm viên, không nhất thiết phải có bằng đại học", đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh.

Hiện nay, tiêu chuẩn của đăng kiểm viên khá cao, bao gồm: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ, có kết quả đánh giá đạt yêu cầu. Đăng kiểm viên bậc cao ngoài yêu cầu trên còn phải có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 36 tháng, đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

Dự thảo nghị định cũng đề xuất mỗi dây chuyền chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm (thay vì 3 như hiện nay) để khai thác tối đa năng lực các đơn vị. Thực tế, nhiều trung tâm chỉ có 1 - 2 đăng kiểm viên nên toàn bộ dây chuyền phải đóng.

Đồng thời, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất kiểm định không giới hạn công suất trên mỗi dây chuyền, thay vì dây chuyền loại 1 kiểm định không quá 90 xe, dây chuyền loại 2 không quá 70 xe/ngày như hiện nay.

Dự thảo nghị định đề nghị cho phép đăng kiểm của quân đội, công an được tham gia khi cần trưng dụng. Bên cạnh đó, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô (3S, 4S) có trang thiết bị, nhân lực đáp ứng quy chuẩn được phép kiểm định ô tô.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 02/2023, sửa đổi Thông tư 16 về kiểm định xe cơ giới cho phép miễn kiểm định lần đầu đối với xe mới chưa qua sử dụng, giãn chu kỳ kiểm định với nhiều phương tiện đang sử dụng. Thông tư mới đã giúp nhiều chủ phương tiện tiết kiệm được thời gian, chi phí khi đi đăng kiểm xe.

Tính đến ngày 25.3, cả nước có 57/281 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động sau 4 tháng công an điều tra sai phạm trong ngành này. Riêng Hà Nội có 17 đơn vị hoạt động với 20 dây chuyền, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu phương tiện. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã cử 50 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ đăng kiểm ở Hà Nội và TP.HCM. Bộ Quốc phòng đã đưa 40 nhân sự, trong đó có 30 kiểm định viên chính thức và 10 kiểm định viên dự bị, hỗ trợ đăng kiểm dân sự.

Mặc dù vậy, tình trạng ùn tắc tại các đơn vị vẫn diễn ra do thiếu đăng kiểm viên. Tại các thành phố lớn, chủ xe không phải đem xe xếp hàng chờ đợi nhiều ngày để đăng kiểm, song vẫn phải đăng ký, nhận giấy hẹn sau 2 - 3 tuần mới đến lượt.

Bài liên quan
TP.HCM: Đưa vụ án 'đăng kiểm xe cơ giới' vào diện theo dõi, chỉ đạo
Ngày 16.3, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM tổ chức cuộc họp định kỳ tháng 3.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao đăng kiểm viên không cần phải có bằng đại học?