Sau khi hoàn thành đợt 1 hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, TP.HCM tiếp tục hỗ trợ đợt 2 với tổng kinh phí dự kiến lên đến gần 900 tỉ đồng.

TP.HCM: Tiếp tục chi thêm gần 900 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng COVID-19

Hồ Quang | 05/08/2021, 17:46

Sau khi hoàn thành đợt 1 hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, TP.HCM tiếp tục hỗ trợ đợt 2 với tổng kinh phí dự kiến lên đến gần 900 tỉ đồng.

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều nay (5.8), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, TP đang tiến hành hỗ trợ đợt 2 cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, trong đợt 2 này sẽ hỗ trợ cho những người không có hợp đồng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Những người này sẽ được hỗ trợ 1 tháng với mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/ người. Tổng số người lao động trong trường hợp trên dự kiến nhận hỗ trợ là 330.192 người với hơn 501 tỉ đồng.

tphcm-tiep-tuc-chi-gan-900-ty-dong-ho-tro-nguoi-dan-bi-anh-huong-covid-19-hinh-anh(1).png
Người dân nghèo ở TP.HCM được tặng những phần qua trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội  - Ảnh: PV 

Bên cạnh đó, những người nghèo, người cận nghèo, lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực phong tỏa… cũng sẽ được hỗ trợ trong đợt này.

Đây là những trường hợp rất khó khăn do thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Những người này sẽ được hỗ trợ trực tiếp 1 lần với số tiền 1.500.000 đồng/hộ (trong đó nguồn ngân sách nhà nước là 1 triệu đồng; nguồn vận động xã hội hóa là 500.000 đồng). Dự kiến có 90.585 hộ thuộc diện trên được hỗ trợ. “Đây chỉ là số lượng thống kê thôi, còn nếu thực tế những đối tượng này có nhiều hơn thì TP cũng sẽ hỗ trợ, chứ không hạn chế theo số lượng”, ông Đức khẳng định.

Theo ông Đức, số lượng gia đình trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa… dự kiến có 170.000 hộ. Với số lượng trên, chi phí hỗ trợ cho những đối tượng này là 390.877.500.000 đồng. Nguồn kinh phí này đến từ ngân sách của TP và nguồn vận động xã hội hóa.

Về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, ông Đức cho biết, trong ngày 4.8, TP đã tiêm cho 184.256 người, trong đó có 501 trường hợp có phản ứng nhẹ, không có trường hợp nào phán ứng nặng. Như vậy, từ đầu đợt 5 đến nay (từ ngày 21.7 đến hết ngày 4.8), TP đã tiêm được 1.301.663 người. “Đây là số lượng chưa kể các cơ quan y tế Trung ương đóng trên địa bàn TP được cấp vắc xin từ Bộ Y tế để thực hiện tiêm cho người dân. Do đó, số lượng thống kê này chưa đầy đủ, số lượng người tiêm thực tế ở TP còn nhiều hơn”, ông Đức nói.

Riêng về chủ trương cho người dân tự test nhanh tại nhà, ông Đức cho biết hiện nay có 2 loại test nhanh chẩn đoán COVID-19 là test nhanh kháng thể và test nhanh kháng nguyên. Trong đó, test nhanh kháng nguyên thường được sử dụng hơn.

Việc sử dụng test nhanh kháng nguyên rất đơn giản, người dân hoàn toàn có thể tự thực hiện với những hướng dẫn khi mang về nhà. “Độ chính xác của test nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu cũng như thời gian thực hiện. Do đó người thực hiện lấy mẫu cần phải tìm hiểu kỹ hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất và nhân viên y tế để thực hiện chính xác. Người lấy mẫu chỉ cần xem kỹ hướng dẫn hoặc xem các hướng dẫn trên HCDC về cách lấy mẫu thì có thể tự làm được”, ông Đức chia sẻ.

Ông Đức cảnh báo hiện nay có nhiều test nhanh được bán trên mạng xã hội. Vì vậy, người dân nên mua những test nhanh nằm trong danh mục mà Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành tại các cửa hàng trang thiết bị y tế, các nhà thuốc có đăng ký bán trang thiết bị y tế.

Khi người dân tự test nhanh, nếu có kết quả nghi ngờ dương tính cần hết sức bình tĩnh, liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất, hay các trung tâm y tế, bệnh viện để được hỗ trợ.Trong trường hợp test nhanh cho kết quả âm tính, người dân không nên chủ quan cũng phải liên hệ với cơ quan y tế, vì vẫn có những sai số nhất định trong kết quả test nhanh. Người dân phải tiếp tục tuân thủ biện pháp 5 K của Bộ Y tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Tiếp tục chi thêm gần 900 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng COVID-19