Chiều 20.5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với TP.HCM nhằm kiểm tra, khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.
Nghị quyết số 33-NQ/TW có nội dung về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Qua 10 năm thực hiện nghị quyết, TP.HCM đã triển khai thực hiện toàn diện về nội dung, đa dạng về hình thức, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực như: Văn hóa đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng giá trị văn hóa - con người TP, kinh tế TP phát triển đã tạo điều kiện đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, xây dựng con người. Từ các hoạt động, phong trào văn hóa đã góp phần tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. TP đã quan tâm xây dựng chuẩn mực đạo đức, con người TP.
Từ thực tiễn đó, TP.HCM đề xuất, kiến nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay; nghiên cứu cho phép TP thực hiện cơ chế thí điểm chính sách pháp luật như: thu hút nhân tài, chính sách đãi ngộ người có tài năng trong lĩnh vực văn hoá, thể thao. Cần có các chính sách, cơ chế đồng bộ từ Trung ương như phụ cấp tập luyện, biểu diễn, ưu đãi đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống…
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn đã nêu vấn đề thảo luận để làm rõ hơn những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ, TP.HCM là địa phương thu hút đông học sinh, sinh viên, người dân các tỉnh, thành về sinh sống, học tập và làm việc, do đó TP trở thành nơi hội tụ, hội nhập văn hoá từ mọi vùng miền. TP.HCM cũng là nơi tiếp nhận mạnh mẽ văn hóa từ các nước hội nhập đến Việt Nam. Làm sao để vừa tiếp nhận các nét văn hóa hội nhập, vừa chống lại văn hóa ngoại lai là thách thức khá lớn của TP.HCM.
Ông Nguyễn Hồ Hải cũng nhìn nhận, thời gian qua, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, trong đó có người lao động từ các tỉnh, thành đến TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc đưa quá trình hình thành và phát triển TP.HCM cũng như văn hóa TP.HCM ra nước ngoài còn hạn chế.
Bên cạnh yếu tố chủ quan, ông Hải cho rằng còn một số yếu tố khách quan ảnh hưởng đến các dự án để xây dựng, quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ở một số nước bạn. Do vậy, TP.HCM đang tiếp tục tìm giải pháp để quảng bá hình ảnh, văn hóa của đất nước và TP.HCM đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, TP cũng đặt ra quyết tâm dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ có các công trình văn hóa xứng tầm.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cũng đề nghị Thành ủy TP.HCM quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các thiết chế văn hóa, du lịch đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Đồng thời, TP cần đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao cho lĩnh vực văn hóa; chú trọng quan tâm hơn đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, tài năng nghệ thuật, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của TP.HCM, ông Phan Xuân Thủy đề nghị các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương khẩn trương nghiên cứu, phối hợp với TP và các cơ quan liên quan tham mưu các cấp có thẩm quyền từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt để có thể khơi thông mọi nguồn lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới.