Các trạm cấp cứu vệ tinh là mô hình cấp cứu ngoại viện nhằm cứu chữa bệnh nhân kịp thời, nhất là trong điều kiện “thập tử nhất sinh”. Thực tế trong thời gian qua, các trạm cấp cứu vệ tinh 115 ở TP.HCM đang làm khá tốt điều này, giúp nhiều bệnh nhân thoát khỏi “ thần chết” trong gang tấc vì được cấp cứu kịp thời.

TP.HCM: Trạm cấp cứu vệ tinh 115 đã phủ khắp các khu vực cửa ngõ

Hồ Quang | 19/12/2016, 18:04

Các trạm cấp cứu vệ tinh là mô hình cấp cứu ngoại viện nhằm cứu chữa bệnh nhân kịp thời, nhất là trong điều kiện “thập tử nhất sinh”. Thực tế trong thời gian qua, các trạm cấp cứu vệ tinh 115 ở TP.HCM đang làm khá tốt điều này, giúp nhiều bệnh nhân thoát khỏi “ thần chết” trong gang tấc vì được cấp cứu kịp thời.

Cứu nhiều bệnh nhân“thập tử nhất sinh”

Hiện nay số lượng xe cấp cứu trong các bệnh viện ở TP.HCM khoảng hơn 200 xe, chủ yếu là để phục vụ chuyên chở bệnh nhân đến các bệnh viện khác. Trong khi đó, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM nằm ở nội thành với số lượng xe có hạn, không thể đáp ứng hết nhu cầu cấp cứu bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân ở xa trung tâm TP. Thực tế đó đã khiến không ít những trường hợp phải tử vong một cách thương tâm vì đưa đến bệnh viện chậm.

Vì thế từ đầu năm 2015, Sở Y tế TP.HCM đã cho phép thành lập trạm cấp cứu vệ tinh 115 đầu tiên đặt tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn; đặc biệt là từ giữa năm 2016 các trạm cấp cứu vệ tinh 115 liên tục ra đời và đến nay (cuối tháng 12.2016) đã lên đến 21 trạm.

Tại cửa ngõ phía Tây Bắc của TP có hàng loạt trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi, Bệnh viện huyện Củ Chi; tại cửa ngõ phía Đông có các trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện quận 9, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức; cửa ngõ phía Nam có trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại Bệnh viện huyện Nhà bè, Bệnh viện quận 7, Bệnh viện quận Bình Tân, Bệnh viện huyện Bình Chánh.... Tất cả các trạm cấp cứu vệ tinh 115 đang phủ khắp các cửa ngõ ở TP.HCM đã giúp cho không ít bệnh nhân thoát khỏi “ thần chết” nhờtận dụng “thời gian vàng” để cứu sống.

Ra đời vào đầu tháng 5.2016, Trạm cấp cứu 115 đặt tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã liên tục tiếp nhận và xử lý hàng loạt trường hợp tai nạn lao động, tai nạn giao thông rơi vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Mới đây nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, trạm cấp cứu vệ tinh 115 bệnh viện này đã tiếp nhận đến 2 trường hợp chấn thương sọ não nặng, tính mạng nguy kịch do tai nạn giao thông nhưng nhờ kịp thời cấp cứu đã cứu sống.

Nói về quyết định xin phép thành lập trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại đây, TS.BS Nguyễn Văn Châu – Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết ông có một nỗi ám ảnh lớn trong cuộc đời mình về cái chết thương tâm của một phụ nữ ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) bị tai nạn giao thông cách đây 1 năm.

“Chị ấy bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não. Người nhà điện thoại cho xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 TP nhưng hơn 30 phút vẫn chưa đến được vì... kẹt xe, khiến chị ấy phải tử vong một cách tức tưởi”, ông Châu nói.

Sau khi sơ cứu, xe cứu thương của trạm cấp cứu vệ tinh115 tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã đưa bệnh nhân về bệnh viện tiếp tục điều trị.

Đi vào hoạt động được hơn 5 tháng, Trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại Bệnh viện quận Thủ Đức đã xử lý, cứu chữa thành công hơn 200 trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp thập tử nhất sinh. “Nhờ có trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại bệnh viện, chúng tôi đã chặn được nhiều trường hợp thập tử nhất sinh, tận dụng “thời gian vàng” để cứu sống thành công”, bác sĩ Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết.

Bác sĩ Quân cho biết thêm trong ngày hôm nay (19.12), Trạm cấp cứu vệ tinh 115 của bệnh viện đã tiếp nhận và xử lý 4 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp nhảy lầu tự tử khá nặng. Nạn nhân là một phụ nữ khoảng 25 tuổi (ngụ khu phố 2, phường Linh Trung , quận Thủ Đức, TP.HCM) nhảy từ lầu 1 xuống đất bị gãy xệp cột sống thắt lưng và yếu 2 chân. Nhận được tin báo, trạm cấp cứu vệ tinh 115 đã điều động 1 xe cấp cứu gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng kịp thời có mặt tại hiện trường. Ngay tại hiện trường, bác sĩ đã thực hiện cố định cột sống thắt lưng cho bệnh nhân; đồng thời tiêm thuốc giảm đau trước khi đưa về bệnh viện tiếp tục điều trị.

“Trường hợp này, nếu bệnh nhân không được cấp cứu, hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và tính mạng. Bệnh nhân bị xệp 2 cột sống thắt lưng nếu không xử lý cấp cứu cố định cột sống thắt lưng sẽ gây chèn ép tủy sống, phù nề, thiếu máu, gây ra tình trạng tổn thương tủy, khó hồi phục và nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân”, bác sĩ Quân chia sẻ.

Mục đích chăm sóc sức khỏe nhân dân

Trước khi có các trạm cấp cứu vệ tinh, mọi hoạt động cấp cứu bên ngoài bệnh viện đều do Trung tâm cấp cứu 115 TP đảm nhận khiến nơi đây quá tải, đặc biệt không xử lý kịp thời những trường hợp bệnh nhân ở xa trung tâm TP, mất đi “thời gian vàng” khiến cơ hội sống của bệnh nhân nhỏ dần, thậm chí tử vong. Từ khi các trạm cấp cứu vệ tinh mọc lên đến nay đã phủ khắp các khu vực cửangõ của TP – những nơi được xem là xa trung tâm TP, giúp người bệnh có nhu cầu tiếp cận với dịch vụ cấp cứu một cách nhanh nhất, tránh phải xảy ra những cái chết oan.

Một bệnh nhân được trạm cấp cứu vệ tinh 115 xử lý kịp thời và đưa về bệnh viện điều trị.

TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay trong thời gian tới, toàn bộ 24 quận, huyện đều có trạm cấp cứu vệ tinh 115. Các trạm cấp cứu vệ tinh này không chỉ có chức năng vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện mà còn xử lý, điều trị ban đầu cho bệnh nhân nên mỗi xe cấp cứu ngoài tài xế xe luôn có 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng cố định.

“Việc cấp cứu người bệnh bên ngoài bệnh viện trong thời gian tới được giao cho các trạm y cấp cứu vệ tinh 115; còn trung tâm cấp cứu 115 TP chỉ có nhiệm vụ điều phối hoạt động. Vì chỉ có những trạm cấp cứu vệ tinh 115 – nơi gần dân nhất mới có thể đáp ứng việc cấp cứu hiệu quả, đúng nghĩa của cấp cứu là nhanh và kịp thời”, ông Thượng nói.

Ông Thượng cũng nhấn mạnh đến việc ngành y tế TP không phân biệt cơ sở y tế công hay tư. Tất cả các đơn vị y tế đều có thể tham gia vào mô hình trạm cấp cứu vệ tinh 115 để mục đích cuối cùng là cứu sống bệnh nhân, phục vụ tốt nhất cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Trong thời gian tới Sở Y tế sẽ phát triển Trung tâm cấp cứu 115 theo mô hình “Paramedic” - nhân viên sơ cấp cứu ngoại viện. Paramedic không phải là bác sỹ, điều dưỡng, nhưng vẫn có chuyên môn sơ cứu chuyên nghiệp đi theo xe cấp cứu. Những người này được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ sau khi học xong phổ thông hoặc từ điều dưỡng... được đào tạo chương trình cấp cứu y tế ngoại viện”, ông Thượng cho biết.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Trạm cấp cứu vệ tinh 115 đã phủ khắp các khu vực cửa ngõ