Ngày 18.3, tại Hội trường Trường Chính trị tỉnh Bình Phước diễn ra Hội nghị Tổng kết Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

TP.HCM ưu tiên hợp tác các lĩnh vực lợi thế với các tỉnh Đông Nam bộ

Tú Viên | 18/03/2023, 17:18

Ngày 18.3, tại Hội trường Trường Chính trị tỉnh Bình Phước diễn ra Hội nghị Tổng kết Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Tại hội nghị, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết để tập trung cao hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050, tỉnh đã xây dựng và ban hành 58 đề án, chương trình, kế hoạch. Tỉnh rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các địa phương, đặc biệt là về hạ tầng giao thông.

Địa phương đang nỗ lực để khắc phục sự bất lợi về vị trí địa lý thông qua các dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ, trong đó trọng tâm là cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)…

18-03-2023bphuoc_dcnen.jpeg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TƯ

"Hiện Bình Phước vẫn cách sân bay và cảng biển khoảng 3 tiếng, chưa có kết nối cao tốc. Các nhà đầu tư quốc tế đều cho rằng chỉ cần rút ngắn được khoảng 40% thời gian di chuyển trên thì Bình Phước sẽ là điểm đến rất hấp dẫn", bà Hiền cho biết.

Còn ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng các tỉnh vùng Đông Nam bộ cần cùng nhau nhận định lại thế mạnh, hạn chế để cùng đưa ra giải pháp phù hợp trong đầu tư, khai thác và phát triển.

"Khu du lịch núi Bà Đen không chỉ có vai trò với tỉnh mà có yếu tố phát triển du lịch cả miền Đông, hay cửa khẩu Mộc Bài cũng đóng vai trò tốt, ảnh hưởng đến kinh tế cả vùng. Nếu để một địa phương tự xoay xở thì sẽ khó tận dụng hết được lợi thế đó", ông Ngọc nói.

Theo nhiều đại biểu, chính sách phát triển vùng Đông Nam bộ đã được nêu rõ tại nghị quyết 24 với nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, thời gian tới rất cần sự chủ động của các địa phương trong việc tăng liên kết, và đề xuất trung ương tạo điều kiện cho vùng thông qua những cơ chế thoáng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thêm, TP.HCM luôn ý thức sự phát triển của thành phố không thể tách rời và có đóng góp rất lớn của các địa phương vùng Đông Nam bộ và các vùng khác. Thông qua hợp tác, liên kết vùng, TP.HCM là địa phương được hưởng lợi nhất trong việc mở rộng không gian phát triển, có thêm những ý kiến đổi mới sáng tạo, kiểm nghiệm nhiều mô hình để phát triển các thế mạnh, đặc thù của từng địa phương.

TP.HCM có quan hệ hợp tác với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, còn Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có chương trình hợp tác cụ thể. TP.HCM mong muốn sơ kết các chương trình hợp tác và bàn chương trình khác chung cho cả vùng, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam bộ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác. Bộ KH-ĐT đánh giá cao vai trò của TP.HCM đã chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò hạt nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Thời gian qua, việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ đã đạt được những kết quả quan trọng, có sức lan tỏa rộng trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội...

Cùng với đó, thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TP.HCM đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng. Các doanh nghiệp đã tìm kiếm được cơ hội và thuận lợi trong phát triển kinh doanh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các địa phương cần có phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển. Riêng TP.HCM cần chủ động hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn hiện tại của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương phát triển…, đặc biệt cần thực hiện tốt 7 nội dung đã được triển khai hợp tác giữa các đơn vị.

Cần phải chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể của mỗi địa phương, của vùng và hoàn thiện quy chế hoạt động; trong đó, TP.HCM có trách nhiệm chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn hiện tại của địa phương và khu vực. TP.HCM và các tỉnh trong vùng cần tăng cường kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển để giải quyết nhanh các công việc, chương trình hành động vùng.

Dịp này, UBND TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ đã ký kết văn bản thoả thuận, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM ưu tiên hợp tác các lĩnh vực lợi thế với các tỉnh Đông Nam bộ