Tỷ lệ ngân sách giữ lại của TP.HCM đã giảm từ 33% xuống chỉ còn 18%. Con số này chưa có sự lý giải thỏa đáng, trong khi nhu cầu sử dụng ngân sách cho các mục tiêu phát triển, đầu tư hạ tầng của thành phố ngày một lớn. Do vậy, UBND TP.HCM sẽ kiến nghị tỷ lệ ngân sách giữ lại hợp lý hơn, tạo điều kiện phát triển thành phố.

TPHCM kêu với trung ương về ngân sách được giữ lại không đủ cho phát triển

Phan Thị Diệu | 23/10/2019, 09:53

Tỷ lệ ngân sách giữ lại của TP.HCM đã giảm từ 33% xuống chỉ còn 18%. Con số này chưa có sự lý giải thỏa đáng, trong khi nhu cầu sử dụng ngân sách cho các mục tiêu phát triển, đầu tư hạ tầng của thành phố ngày một lớn. Do vậy, UBND TP.HCM sẽ kiến nghị tỷ lệ ngân sách giữ lại hợp lý hơn, tạo điều kiện phát triển thành phố.

Đây là thông tin được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội quý 4/2019 diễn ra ngày 22.10.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong 9 tháng đầu năm 2019, TP.HCM đã đạt được tốc độ tăng trưởng GRDP là 7,8%; còn các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đều tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2019 của TP.HCM là tốc độ tăng GRDP đạt 8,3- 8,5%. Như vậy, 3 tháng còn lại, thành phố phải nỗ lực phấn đấu với tốc độ tăng trưởng hơn 9% thì mới đạt mục tiêu đặt ra.

Đối với chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, ông Phong cho biết chỉ tiêu này đạt tốt so với cùng kỳ, nhưng chỉ tiêu thu nội địa cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chủ tịch TP.HCM nói rằng, những năm qua, tỷ lệ ngân sách giữ lại của TP.HCM đã giảm từ 33% xuống chỉ còn 18%. Con số này chưa có sự lý giải thỏađáng, trong khi nhu cầu sử dụng ngân sách cho các mục tiêu phát triển, đầu tư hạ tầng của thành phố ngày một lớn. Nhìn lại tất cả các thành phố lớn, tỷ lệ phân chia thấp nhất cũng phải khoảng 30%.

Do vậy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài chính lập đề án cụ thể, dưới những cơ sở khoa học, điều kiện thực tế để báo cáo với Ban Kinh tế Trung ương, kiến nghị tỷ lệ ngân sách giữ lại hợp lý hơn, tạo điều kiện phát triển thành phố.

“Vừa rồi Sở Tài chính đã làm xong đề án về cơ chế phân chia ngân sách của Trung ương với TP.HCM, sắp tới sẽ báo cáo Thường vụ Thành ủy và trình Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian sớm nhất”, ông Phong thông tin.

Liên quan đến đầu tư công, ông Phong cho rằng hiện nay trong việc thực hiện một số dự án có những vướng mắc do chưa có sự thống nhất đồng bộ trong các luật. Điển hình là những chồng chéo, xung đột trong thực hiện các Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...

Hiện tại, giữa Luật Đầu tư công và Luật Đất đai có một số điều khoản chưa thống nhất, nên trong quá trình thực hiện rất khó khăn. Hay Luật Quy hoạch đã có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng… Vì vậy, khi gặp vấn đề mâu thuẫn, mỗi sở đều giữ quan điểm của mình mà không có sự phối hợp để cùng tháo gỡ, làm trì trệ công việc chung.

“Tôi đề nghị với tinh thần vì sự phát triển của thành phố, vì sự phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, các sở ngành, quận huyện cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng đá qua đá lại làm cho vấn đề kéo dài rất lâu gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp”, ông Phong chỉ đạo.

Đáng chú ý, người đứng đầu UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu mời tổ chức tư vấn quốc tế giúp xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM trong thời gian tới. Đồng thời, cơ quan phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển tổ chức hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP.HCM; hội thảo về đầu tư công.

Trong khi đó, Sở Tài chính, Cục Hải quan, Cục Thuế tập trung các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Sở Tài chính hoàn tất việc kiểm kê nhà đất công; cũng như hoàn thành đề án về cơ chế phân chia ngân sách giữa Trung ương và TP.HCM nhằm tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TPHCM kêu với trung ương về ngân sách được giữ lại không đủ cho phát triển