Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối.

Thường vụ Quốc hội thống nhất Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính

Bùi Trí Lâm | 22/10/2019, 16:07

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối.

Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối.

Đồng thời, mô hình hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.

Để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có 1 sở giao dịch chứng khoán duy nhất. Cụ thể là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán; sửa đổi tên gọi sở giao dịch chứng khoán thành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại các điều, khoản liên quan.

Ông Thanh cho rằng đây là doanh nghiệp rất đặc thù nên cần được quy định cụ thể trong luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Mặt khác, những biến động về thị trường tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia.

Do vậy, để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 42 của dự thảo Luật, theo đó Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ họp thứ 8 có quy định về điều kiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến quy định ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc quy định như tại Điều 50 dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bảo đảm được tính thống nhất với quy định hiện hành và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), bảo đảm tính linh hoạt bằng việc giao Chính phủ hướng dẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua rà soát, các quy định của dự thảo Luật không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các luật khác và không gây ra các xung đột pháp luật.

Riêng Luật Các tổ chức tín dụng có quy định những điều kiện nhằm hạn chế hoạt động đầu tư chứng khoán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để ngăn ngừa rủi ro và bảo đảm an ninh tiền tệ.

Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Điều 3 được chỉnh sửa theo hướng giảm bớt các hoạt động bắt buộc phải tuân thủ Luật Chứng khoán, cụ thể đã bỏ quy định về đầu tư và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động của các chủ thể kinh doanh, Điều 69 của dự thảo Luật cũng đã sửa đổi quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tương tự quy định về cấp giấy phép cho tổ chức tín dụng tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Lam Thanh
Bài liên quan
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo sau vụ VNDirect bị tấn công mạng
Sau khi VNDirect bị tấn công mạng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán tăng cường bảo mật hệ thống giao dịch trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thường vụ Quốc hội thống nhất Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính