Ông Lê Nguyễn Minh Quang đã có đơn xin thôi nhiệm vụ Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vì lý do cá nhân.
Tuy nhiên, TP.HCM chưa có quyết định nào chính thức về việc này, vì vậy ông Quang vẫn đang làm việc bình thường.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang từng là Tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam. Tháng 6.2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm, dù ông là người ngoài Đảng. Vị trí này tương đương giám đốc sở và cơ quan này trực thuộc UBND TP.HCM.
Ông Quang sinh năm 1966, trình độ tiến sĩ ngành xây dựng, cao học ngành quản lý hành chính công, cao học quản trị doanh nghiệp. Trong đợt này, ông Quang cũng trúng cử đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021.
Chia sẻ với báo chí sau khi nhận nhiệm vụ, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết việc mình là người ngoài Đảng được bổ nhiệm làm Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố khi thu hút người ngoài Đảng xây dựng TP.HCM.
"Quyết định rời Công ty Bachy Soletance không phải là điều dễ dàng với tôi và gia đình. Thế nhưng ước mơ, khát vọng được cống hiến cho TP.HCM từ hơn 30 năm trước, khi tôi quyết định quay lại Việt Nam làm việc có dịp được thể hiện. Từ nhiều năm nay, tôi cũng đã thường xuyên viết nhiều ý kiến, giải pháp lên báo chí, gửi lãnh đạo TP.HCM để góp ý, chia sẻ những câu chuyện để mong thành phố phát triển hơn. Dù khó, cả gia đình và bạn bè ai cũng ủng hộ tôi khi chọn một lối đi mới đầy thách thức nhưng thú vị", ông Quang chia sẻ.
Về kế hoạch dài hơi khi nhận nhiệm vụ mới, ông Lê Nguyễn Minh Quang nói rằng ông tóm gọn mục tiêu, hành động và điều hành công việc mới bằng bốn chữ ghép từ tên viết tắt của ban quản lý là MAUR.
Trong đó, chữ M là minh bạch vì một dự án có vốn lớn như vậy cần phải minh bạch để tạo sự tin tưởng của lãnh đạo và người dân; chữ A là an toàn vì đây là dự án phức tạp và có quy mô cần có sự an toàn; chữ U là ưng thuận, nghĩa là phối hợp với các sở ban ngành, quận huyện và tạo sự đồng thuận của người dân; chữ R là rốt ráo và làm sao để đạt đúng tiến độ.
Được biết, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM nơi ông Quang làm việc được thành lập vào tháng 9.2007 với chức năng, nhiệm vụ chính là chủ đầu tư các dự án đường sắt đô thị thành phố (metro).
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được triển khai thực hiện bằng vốn vay ODA của Nhật Bản từ năm 2007. Tuy nhiên, do chậm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh nên dự án không được Chính phủ phân bổ ngân sách từ tháng 10.2017.
Việc chậm phân bổ và ngưng phân bổ vốn cho tuyến metro số 1đã được TP.HCM báo cáo các bộ, ngành cấp Trung ương gần 2 năm nay nhưng đến nay những khó khăn trên vẫn chưa được giải quyết. Nhiều lần, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cũng đã làm việc với các cơ quan ban ngành Trung ương nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt khoát.
Trước tình hình trên, UBND TP.HCM đã phải liên tục tạm ứng ngân sách để thanh toán cho nhà thầu thi công. Thế nhưng, đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành 56% khối lượng.
Đáng chú ý, mặc dù TP.HCM đã cam kết sẽ tạm ứng thanh toán bằng ngân sách của thành phố cho đến khi Trung ương phân bổ ngân sách cho dự án, song do một số vấn đề nên thủ tục thanh toán cho các nhà thầu trên thực tế đã không tiến triển.Số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn đã lên đến hơn 100 triệu USD. Do vậy, đại sứ Umeda Kunio của Nhật Bản lo lắng về khả năng dừng thi công nếu cuối tháng 12.2018 vấn đề này không được giải quyết.
Trong khi đó, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng kiến nghị điều chỉnh thời gian thi công đến tháng 12.2020 thay vì hoàn tất trong năm 2018. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng của dự án đang bị dừng lại. Việc này đã làm phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Để UBND các quận có thể triển khai công tác bồi thường, đảm bảo yêu cầu về tiến độ bàn giao mặt bằng, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các bước tiếp theo.
Phan Diệu