Cô giáo bắt học trò quỳ, phụ huynh bắt cô quỳ lại, phụ huynh tấn công cô giáo mang thai, cô giáo bắt học trò súc miệng bằng nước lau bảng, học trò đâm thầy giáo vì bị bắt xóa hình xăm... Chuyện gì đang diễn ra nơi học đường vậy và do đâu mà nên nỗi...?

Trả lại ‘chỗ đứng’ cho người thầy

10/04/2018, 15:00

Cô giáo bắt học trò quỳ, phụ huynh bắt cô quỳ lại, phụ huynh tấn công cô giáo mang thai, cô giáo bắt học trò súc miệng bằng nước lau bảng, học trò đâm thầy giáo vì bị bắt xóa hình xăm... Chuyện gì đang diễn ra nơi học đường vậy và do đâu mà nên nỗi...?

Trường THPT Trần Hưng Đạo, nơi xảy ra sự việc nam sinh đâm thấu bụng giáo viên chủ nhiệm. - Ảnh: Ph.Th

Có thể thấy qua các sự việc đau lòng trên, một sự khủng hoảng khá nghiêm trọng đang diễn ra dưới những mái trường. Cả ba chủ thể tạo nên môi trường giáo dục là thầy cô, học sinh và phụ huynh hiện nay dường như đều có “vấn đề”. Sâu xa hơn, sự khủng hoảng này có lẽ chính là do vấn đề về nhận thức và phương pháp giáo dục.

Ngôi trường, kể từ khi đức Khổng Tử lập ra đã trở thành những ngôi miếu đền để dẫn đạo cho con người. Khác với những miếu đền thờ tự tôn giáo, những ngôi miếu đền đó chủ yếu dạy cách sống, dạy làm người. Nơi đó người thầy thời trước còn được tôn kính hơn cả cha mẹ (quân sư phụ). Các nhà nho, thầy đồ trong suốt hơn hai ngàn năm giáo dục học trò rất nghiêm khắc. Bộ “đồ nghề” dạy học của họ đơn giản chỉ là những bộ kinh sách thánh hiền và một... cây roi mây, như nhận xét của nhà triết sử Will Durant.

Cách giảng dạy đó vẫn còn tạo “dư âm” cho đến tận ngày nay ở nhiều nước Á Đông như nước ta. Những người học trò của các thế hệ trước chắc không mấy ai không bị đánh đòn, không chỉ ở nhà trường mà cả ở nhà, khi lầm lỗi. Thậm chí ngày trước nhiều thầy cô còn có những “sáng kiến” trừng phạt học sinh “nặng đô” hơn cả roi mây như roi cá đuối, bắt quỳ lên... vỏ mít.

Vì sao lại luôn có chuyện phạt lỗi học trò bằng những cách mà ngày nay nhiều người cho rằng đó là “bạo lực”, “bạo hành”? Đơn giản là vì người thầy phải kiêm nhiệm hai vai trò, trước tiên là người lập trật tự cho lớp học và sau đó là người truyền dạy kiến thức. Nếu không tạo được trật tự trong lớp thì sẽ không sao có thể truyền dạy điều gì.

Hãy cử tưởng tượng đến một cô giáo ngày nay, người phải phụ trách một lớp học đến 40 - 50 đứa trẻ mà người ta thường so sánh là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. 40 - 50 đứa trẻ có xuất phát từ 40 - 50 môi trường giáo dục gia đình, xã hội khác nhau. Hãy hình dung ra sự lúng túng của các cô giáo, nhất là ở các bậc tiểu học, khi luôn phải vãn hồi trật tự cho cả một đám đông trẻ con giờ đã rất ý thức về “dân chủ” hay “quyền trẻ em”, những đứa trẻ khá được cưng chiều ở gia đình nên cũng thường hay ngỗ ngược.

Cách nhanh nhất để lập trật tự có lẽ là xử phạt và đôi khi điều đó trở nên quá đà. Hầu như ít có thầy cô nào trong đời giảng dạy của mình dám tự nhận là mình chưa từng xử phạt học trò bằng một hình thức “bạo lực” nào đó. Nhiều người hay đánh học trò cũng rất day dứt, băn khoăn về điều đó, nhưng họ cho rằng đó là do “nhiệt tâm” giảng dạy của mình, còn nếu không thì đã bỏ mặc học trò. Điển hình nhất cho tâm thức này là trường hợp phản ứng tiêu cực một cô giáo suốt ba tháng không giảng lời nào cho học sinh.

Người thầy ngày xưa rất tôn nghiêm, rất được trọng vọng. Ngày xưa người ta gọi các thầy cô là những nhà “mô phạm”, có nghĩa là những người mẫu mực để mọi người noi theo. Người thầy là những người góp công lớn để tạo nên nhân cách cho những đứa trẻ.

Ngày nay, xã hội vẫn đặt ra những yêu cầu như vậy đối với người thầy, chẳng vậy mà người ta thường đổ lỗi cho việc xuống cấp đạo đức của xã hội nhìn chung cho thầy cô, cho ngành giáo dục.

Trách nhiệm, sự đòi hỏi của xã hội thì vẫn vậy, nhưng sự trọng vọng thì không được như xưa. Người thầy ngày nay không còn được đãi ngộ xứng đáng. Những khó khăn về kinh tế, lương bổng bọt bèo khiến cho nhiều người buộc phải có những mối “quan hệ kinh tế” đối với phụ huynh, học sinh. Cái uy của người thầy cũng mất dần theo đó. Trong con mắt nhiều phụ huynh và học sinh, người thầy có khi chỉ là người “bán chữ”, thậm chí là “buôn lậu” con chữ theo như các lệnh cấm dạy thêm, học thêm gần đây.

Nghề giáo bạc bẽo đến nỗi dân gian phải có câu chua chát: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Với tình trạng kéo dài nhiều năm qua đó, ngành sư phạm làm sao thu hút được nhiều những người nhiệt tâm, những người thuộc giới trí thức tinh hoa để phát triển giáo dục, và cũng là phát triển xã hội, đất nước?

Đỉnh điểm của biểu hiện coi thường nghề giáo chính là việc một phụ huynh, một người có trí thức, bắt buộc một cô giáo quỳ gối gần một giờ để xin lỗi phụ huynh và học sinh vì đã bắt con ông ta quỳ. Dù đó có phần lỗi về cô giáo, nhưng dư luận xã hội đã rất phẫn nộ lên án hành động của người phụ huynh kia. Phẫn nộ thì phẫn nộ, nhưng chúng ta cần phải làm gì để những câu chuyện đau lòng trên không tiếp tục xảy ra?

Giải pháp chính là ở cải cách giáo dục. Đã đến lúc chúng ta phải học cách giáo dục không dùng đòn roi mà vẫn thành công ở các nước tiên tiến hiện nay, thay vì chỉ cải tiến những kiến thức vụn vặt cung cấp cho học trò. Đã đến lúc chúng ta phải nâng tầm ngành giáo dục, nâng cao vị thế người thầy, không để tình trạng nhà giáo có những “mặc cảm xã hội” kiểu như những chú “chuột chạy cùng sào”...

Bởi nếu nền giáo dục của một đất nước mà cứ chìm trong khủng hoảng, người ta có thể làm hỏng đi một vài thế hệ...

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trả lại ‘chỗ đứng’ cho người thầy