Mình là Tráng A Chu, người H’Mong, chủ nhân Homestay ở Sơn La. Bản mình không có nước ngọt, phải mua từ vùng khác chở tới. Mùa dịch COVID-19, giãn cách xã hội, mọi thứ ngưng trệ. Homestay đóng cửa mấy tháng nay, tiền bạc khó khăn. Nợ tiền nước mấy tháng chưa trả.
Đang bí thì có điện thoại. Khách quen ở Hà Nội đặt phòng cho tháng 8. Ngoài phòng tập thể, các phòng đôi, homestay mình có 2 phòng cao cấp, giá phòng mỗi đêm 2 triệu. Ngày thường kín chỗ, phải đặt trước vài tháng. Khách đặt luôn 2 phòng cho 3 đêm, cọc trước 2.000.000 đồng. Mình bảo khách quen, không cần cọc nhưng khách bảo là biết mình cũng đang khó, nên cứ chuyển cho chắc ăn. Thế là có ngay 2 triệu chuyển khoản tức thì.
Đúng là trời thương. Tự dưng có tiền trả nợ. Mình rút tiền, cầm 2 triệu trả ngay cho chủ xe chở nước. Anh ta mừng như trúng số, rối rít cám ơn. Rảnh rỗi, anh em ngồi uống trà, tám chuyện thời sự COVID-19 khắp thế giới. Đang hàn huyên, anh sực giật mình gọi vợ ra giục “Em mang hết số tiền này ra trả giùm anh tiền đang thiếu cây xăng từ hôm tết. Nhớ cám ơn giùm anh”.
Đến chiều, cô giáo trường tiểu học, bạn thời phổ thông, gọi zalo báo tin vui, chủ cây xăng vừa trả tiền học bán trú cho hai đứa con ở trường. Cô nói, hồi nào tới giờ đâu có ai nợ ai, chỉ là đóng trễ hoặc trả chậm. Cô Vi, Cô Vít gì làm rối tung cả lên, trường lớp đóng cửa, nợ nần tứ giăng. Thầy cô bỏ bút, cầm cuốc ra rẫy, tỉa bắp trồng khoai.
Trưa hôm sau, đang loay hoay tranh thủ trang trí, làm đẹp thêm phòng ốc, chờ hết dịch, đón khách bù, thì gặp mấy chị ngoài chợ xấn xớ vào, mặt tươi như hoa. Chợ cách nhà mình hơn chục cây số. Thấy mình ngạc nhiên, không kịp chào hỏi, họ nói ngay: “Chúng em đến trả nợ cho đội văn nghệ, nhờ anh chuyển giùm”. Số là homestay mình có đội văn nghệ phục vụ du khách. Mấy chị mấy em, ngày vẫn ra nương ra đồng, tối về họp nhau diễn, có thêm chút tiền rủng rỉnh. Thi thoảng vẫn cho mấy chị ngoài chợ vay nóng vài ngày, không tính lãi.
Mình hỏi, mùa dịch, mua bán ế ẩm, lấy tiền đâu mà trả cùng lúc. Có hẹn nhau không. Họ bảo, hẹn hò gì. Đang bán thì cô giáo mấy lớp bán trú mang trả tiền mua thiếu rau, củ, cá thịt. Trước mua thiếu theo tuần. Giờ túng quá nên thiếu hai tháng nay. Nhận tiền xong, vãn chợ là bọn em ra gặp anh nhờ cầm giùm và trả giúp luôn.
Đợi tối, mấy chị mấy em trong đội văn nghệ đi làm về, cơm nước xong xuôi, qua nhà mình tập dợt tiết mục mới, chuẩn bị hết dịch đón khách. Bình thường đi làm cả ngày, tối về diễn, tập dợt cứ thậm thụt bữa đực bữa cái. Giờ tha hồ sáng tác tiết mục mới, tha hồ tâp dợt. Mình bảo có tin vui. Cả nhóm xớn xác, cứ tưởng tin hết dịch, hay sắp có khách tới. Còn hơn cả khách tới, mấy chị có tiền. Ai cũng tò mò không biết tiền từ đâu. Té ra là tiền của mấy chị ngoài chợ nợ hơn tháng nay.
Mình giao tiền cho các chị kiểm đếm, cất vào túi. Cuối buổi các chị đến gặp mình, tưởng đề xuất gì. Ai dè trả nợ tiền mượn tuần trước vì khó khăn do hai tháng nay không diễn. Mình bảo kẹt quá thì cứ từ từ trả, vì ai cũng khó chứ đâu riêng mình. Họ nói là biết vậy, nhưng có thì trả, ngủ cho khỏe. Trả trước khỏi trả sau. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Tiền gì để trong túi, dù tiền vay hay tiền lời, cũng khó giữ, nói chi chuyện để dành.
Mình cầm tiền cất vào tủ. Chưa kịp xài gì thì hôm kia khách lại điện thoại. Họ hơi ấp úng trình bày lý do xin hủy đặt phòng vì bà con bên Mỹ điện cho biết kế hoạch về Việt Nam dời sang năm sau. Chừng nào có thông tin sẽ đặt lại. Biết ý họ là muốn nhận lại tiền cọc, mình đồng ý ngay vì còn tới 4 tháng, lo gì. Khách cảm ơn và hẹn sẽ đến ở khi có nhu cầu. Mình bảo không có gì, em phải cám ơn anh vì đã giúp em trả nợ. Mình còn nghe khách lẩm bẩm trong máy “Không mất tiền cọc, lại còn được cám ơn. Cứ như chuyện những người thích đùa”.
Chuyển khoản trả lại khách, mùa dịch, ngân hàng hỗ trợ, không mất phí. Sau mấy ngày xoay vòng, giúp hai người trút gánh nặng, trả hết nợ; thảnh thơi, ăn ngon, ngủ khỏe. Quan trọng nhất là tiền vẫn về chính chủ, không thiếu đồng nào. Ai cũng vui vẻ cám ơn nhau vì đã san sẻ, thông cảm lúc hoạn nạn.
Càng thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao”. Nhờ COVID-19 mới hay hình như ai cũng nợ nhau và nợ cuộc đời này nhiều thứ.
Tráng A Chu