Guardian vừa thực hiện một cuộc khảo sát với hàng trăm nhà khoa học về khí hậu hàng đầu thế giới. Họ dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên ít nhất 2,5 độ C trong thế kỷ này, vượt xa các mục tiêu mà thế giới đặt ra.
Gần 80% số người được hỏi, tất cả đều đến từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), dự đoán mức độ nóng lên toàn cầu ít nhất là 2,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Trong số đó, lại có gần một nửa dự đoán ít nhất là tăng 3 độ C. Chỉ 6% cho rằng nhiệt độ Trái đất sẽ không vượt qua giới hạn 1,5 độ C theo thỏa thuận quốc tế.
Nhiều nhà khoa học đã hình dung ra một tương lai phủ bóng đen, với nạn đói, xung đột và di cư hàng loạt, do các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và bão có cường độ và tần suất vượt xa những gì đã xảy ra. Nhiều chuyên gia cho biết họ cảm thấy vô vọng, tức giận và sợ hãi trước hành động của các nước bất chấp bằng chứng khoa học rõ ràng được cung cấp.
Gretta Pecl, tại Đại học Tasmania, cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang hướng tới sự đình trệ xã hội lớn trong vòng 5 năm tới. Xã hội sẽ bị choáng váng bởi hết hiện tượng thời tiết cực đoan này đến hiện tượng cực đoan khác, việc sản xuất lương thực sẽ bị gián đoạn. Tôi không thể cảm thấy tuyệt vọng hơn về tương lai”.
Nhưng nhiều người cho rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phải tiếp tục, cho dù nhiệt độ toàn cầu có tăng cao đến đâu, bởi vì mỗi phần tránh được sẽ làm giảm bớt nỗi đau khổ của người dân bị ảnh hưởng.
Giáo sư Peter Cox, tại Đại học Exeter, cho biết: “Biến đổi khí hậu sẽ không đột nhiên trở nên nguy hiểm ở mức 1,5 độ C dù đây là chuyện đã rồi. Và cũng không phải là 'cuộc chơi kết thúc' nếu chúng ta vượt qua ngưỡng tăng 2 độ C (so với thời tiền công nghiệp)".
The Guardian đã tiếp cận mọi tác giả chính hoặc biên tập viên đánh giá các báo cáo của IPCC có thể liên hệ kể từ năm 2018. Gần một nửa (380 trên 843) đã đưa ra câu trả lời. Các báo cáo của IPCC là những đánh giá tiêu chuẩn vàng về biến đổi khí hậu, được tất cả các chính phủ phê duyệt và được đưa ra bởi các chuyên gia về khoa học vật lý và xã hội. Kết quả cho thấy nhiều người trong số đó dự đoán sự tàn phá của khí hậu sẽ diễn ra trong những thập niên tới.
Cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây ra thiệt hại sâu sắc cho cuộc sống và việc mưu sinh trên toàn thế giới, với mức nhiệt độ toàn cầu trung bình chỉ tăng 1,2 độ C trong bốn năm qua. Jesse Keenan, tại Đại học Tulane ở Mỹ, cho biết: “Đây mới chỉ là khởi đầu: thắt dây an toàn” (chứ chưa phải lúc tăng tốc chóng mặt).
Nathalie Hilmi, tại Trung tâm Khoa học Monaco, người dự đoán nhiệt độ sẽ tăng 3 độ C, đồng ý quan điểm này nhận định: “Chúng ta không thể duy trì nhiệt độ tăng ở mức dưới 1,5 độ C (so với thời tiền công nghiệp)”.
Các chuyên gia cho biết việc quan trọng nhất hiện giờ là chuẩn bị để bảo vệ con người khỏi những thảm họa khí hậu tồi tệ nhất sắp tới. Leticia Cotrim da Cunha, tại Đại học bang Rio de Janeiro, cho biết: “Tôi vô cùng lo lắng về cái giá phải trả đối với sự sống của con người”.
Mục tiêu 1,5 độ C được coi là kim chỉ nam quan trọng cho các cuộc đàm phán quốc tế để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ nhất. Nhưng với các chính sách khí hậu hiện tại, thế giới có vẻ đang hướng tới mức tăng nhiệt độ khoảng 2,7 độ C vào cuối thế kỷ và cuộc khảo sát của Guardian cho thấy rất ít chuyên gia của IPCC kỳ vọng thế giới sẽ thực hiện những hành động to lớn cần thiết để giảm mức chênh giữa mục tiêu và hiện thực
Các nhà khoa học trẻ tuổi bi quan hơn, với 52% số người dưới 50 tuổi được hỏi, dự đoán mức tăng ít nhất là 3 độ C, so với 38% ở những người trên 50 tuổi. Các nhà khoa học nữ cũng lạc quan hơn, với 49% cho rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ít nhất 3 độ C, so với 38% các nhà khoa học nam. Có rất ít sự khác biệt giữa các nhà khoa học từ các châu lục khác nhau.
Dipak Dasgupta, thuộc Viện Năng lượng và Tài nguyên ở New Delhi, cho biết: “Nếu thế giới người giàu đứng nhìn và không làm gì nhiều để giải quyết hoàn cảnh khó khăn của người nghèo, thì cuối cùng tất cả đều thua”.
Các chuyên gia đã giải thích rõ ràng lý do tại sao thế giới không giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu. Gần 3/4 số người được hỏi cho rằng sự thiếu ý chí chính trị, trong khi 60% cũng đổ lỗi cho việc bảo hộ lợi ích của doanh nghiệp, chẳng hạn như ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Nhiều người cũng đề cập đến sự bất bình đẳng và việc thế giới các nước giàu có thất bại trong việc giúp đỡ người nghèo, những người chịu thiệt hại nặng nề nhất từ tác động của khí hậu. Một nhà khoa học Nam Phi giấu tên cho biết: “Tôi e là sẽ một tương lai phủ bóng đen tối với nỗi đau đớn và thống khổ đáng kể cho người dân ở nam bán cầu. Phản ứng của thế giới cho đến nay thật đáng trách – chúng ta đang sống trong thời đại vô tri”.
Khoảng 1/4 số chuyên gia của IPCC trả lời cho rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ở mức 2 độ C hoặc thấp hơn nhưng ngay cả chính họ cũng bi quan với hy vọng của mình.
Henry Neufeldt, tại Trung tâm Khí hậu Copenhagen của Liên hợp quốc, cho biết: “Tôi tin rằng chúng ta có tất cả các giải pháp cần thiết cho lộ trình 1,5 độ C và chúng ta sẽ thực hiện chúng trong 20 năm tới. Nhưng tôi sợ rằng hành động của chúng ta có thể đến quá muộn và chúng ta sẽ vượt qua một hoặc nhiều điểm tới hạn”.
Lisa Schipper, tại Đại học Bonn ở Đức, cho biết: “Nguồn hy vọng duy nhất của tôi là với tư cách của một nhà giáo dục, tôi có thể thấy thế hệ tiếp theo sẽ thông minh hơn (trong các chính sách ứng xử với môi trường)”.