Với hơn 12 ha đất, trại rắn Đồng Tâm hiện được đầu tư cảnh trí rất khang trang, thoáng mát.
Nhiều khu vực nơi đây đang nuôi dưỡng hàng chục loại rắn độc và nhiều loại thú độc lạ, quý hiếm như: hổ, gấu, nai, bồ nông, thiên nga, vượn, rùa, đà điểu, cá hải tượng, lợn rừng, khỉ... Các khu chăn nuôi chim, thú được tổ chức riêng biệt và cẩn thận để đảm bảo an toàn cho khách đến tham quan.
Hiện tại, mỗi ngày có từ 500 đến gần 1.000 khách vào tham quan và nghiên cứu tại trại rắn Đồng Tâm. Riêng các ngày lễ hoặc cuối tuần, nơi đây đón đến vài nghìn du khách; từ trẻ em, học sinh, sinh viên đến người lớn tuổi và cả khách quốc tế.
Trại rắn Đồng Tâm còn có tên khác là Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng chế biến dược liệu thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 9 (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), được nhiều người dân xa gần biết đến như một “bảo tàng thu nhỏ” với nhiều loại rắn, chim, thú...
Từ lâu, trại rắn đã là một điểm du lịch hấp dẫn không thể thiếu được trong tour du lịch khi đến tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, đơn vị này đã triển khai các biện pháp khôi phục điều kiện vật chất, các loài động vật độc, lạ, quý hiếm để thu hút du khách xa gần.
Ông Trần Quốc Sỹ, người dân ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, sau khi đến tham quan trại rắn Đồng Tâm bày tỏ: “Lần đầu tiên tôi đến đây và cảm thấy rất thích thú. Nơi đây có nhiều loại thú lạ, phong cảnh đẹp và mát mẽ lý tưởng cho khách du lịch”.
So với 5 năm trước, trại rắn Đồng Tâm nay đã đổi mới cơ bản về hạ tầng, phòng ốc và mở thêm nhiều khu dịch vụ, giải trí. Các tiểu cảnh độc đáo phục vụ nhu cầu chụp ảnh lưu niệm của du khách cũng được làm mới. Vào cuối tuần hay ngày lễ, đơn vị còn tổ chức các tiết mục biểu diễn cho rắn ăn, lột da rắn, lấy nọc rắn... phục vụ du khách. So với thời gian trước khi dịch bệnh COVID-19 thì trại rắn Đồng Tâm hiện nay có lượng khách tham quan tăng hơn 20%.
Qua 45 năm thành lập, nay trại rắn Đồng Tâm không những là nơi sưu tầm, thuần dưỡng các loại rắn độc mà đã trở thành một "thảo cầm viên mini" ven sông Tiền. Các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng chế biến dược liệu đã ngày đêm cố công, gắng sức nuôi dưỡng, chăm sóc đàn chim thú, cây cảnh... tạo ra không gian xanh - sạch- đẹp để ngày càng thu hút du khách.
Bà Trần Thị Thơm, một trong những người gắn bó lâu năm với trại rắn Đồng Tâm, chia sẻ: “Tôi làm ở đây từ năm 1995. Nhiệm vụ chính của tôi là chăm sóc thú và điều trị bệnh cho chúng. Lúc đầu tôi vô đây thăm người nhà nhưng thấy môi trường rất hay nên xin vào làm. Tôi sẽ cống hiến hết khả năng của mình để giúp cho đơn vị ngày càng phát triển”.
Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng chế biến dược liệu - Cục Hậu cần, Quân khu 9 hiện đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, hoàn thiện các khu vực trồng hoa, nuôi thú hoang dã để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".
Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó giám đốc trung tâm, cho biết: "Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung chăm sóc thú và mở rộng các khu dã ngoại, câu cá giải trí, vườn hoa. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đầu tư các trò chơi để trẻ em, học sinh các trường đến học tập hay những vườn thuốc nam để khách đến tìm hiểu, thực tế nhìn thấy cảnh quan môi trường đổi mới".