Trầm Hương là một phụ nữ đa tài, đa cảm và đa đoan Chị tốt nghiệp bằng kỹ sư nông nghiệp nhưng lại nặng nợ với nghề cầm bút. Chị vừa viết văn, viết thơ, viết báo, viết kịch bản phim. Là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trong đó có tác phẩm "Người đẹp Tây đô" đã được chuyển thể thành phim. 

Trầm Hương - chân dung người đàn bà viết

Một Thế Giới | 07/04/2015, 03:00

Trầm Hương là một phụ nữ đa tài, đa cảm và đa đoan Chị tốt nghiệp bằng kỹ sư nông nghiệp nhưng lại nặng nợ với nghề cầm bút. Chị vừa viết văn, viết thơ, viết báo, viết kịch bản phim. Là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trong đó có tác phẩm "Người đẹp Tây đô" đã được chuyển thể thành phim. 

Cuộc đời chị lắm trắc trở nhưng chị vẫn cố gắng từng ngày vượt qua để được sống với niềm đam mê cầm bút. Hiện tại chị công tác tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Chị đã dùng công việc của mình để đi tìm hiểu và viết về những nhân vật từng một thời lừng lẫy trong lịch sử. Chị cũng dùng chính ngòi bút của mình giúp đỡ cho bao gia đình thương binh, liệt sĩ, giúp cho những người đồng đội xưa được gặp nhau.
Từ một người tốt nghiệp với bằng kỹ sư nông nghiệp, giờ đây, mọi người biết đến Trầm Hương với tư cách một nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, một người đã hơn nửa đời sống với niềm đam mê cầm bút.

“Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà”

Trầm Hương tên thật là Bùi Thị Thủy, sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Lộc Thuận, Bình Đại, Bến Tre. Miền quê nghèo vùng sông nước miền Tây ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn cô gái nhỏ Trầm Hương, thổi hồn vào cả từ câu văn nét chữ của chị. Chị gọi tuổi thơ ấy là tuổi thơ trắng đen. Nó nghèo, nó cơ cực nhưng lại là một thiên đường với một cô bé ngỗ nghịch như Trầm Hương. Có cỏ cây, có sông nước, có đất đai thấm đẫm giọt mồ hôi của mẹ, tất cả những gì tinh túy, tinh khiết nhất của vùng quê ấy đã hòa vào tâm khảm chị, để giờ đây khi hồi tưởng lại nó là những đoạn phim trắng đen mà chị luôn trân quý.

Từ nhỏ Trầm Hương đã say mê với thơ văn viết lách. Nhưng số phận long đong lận đận cũng vướng vào chị kể từ đây. Sau khi đọc những vần thơ Trầm Hương viết, mẹ chị đã phải thốt lên rằng: “Đọc văn chương của con mẹ linh cảm cuộc đời con sẽ không suôn sẻ”. Quả đúng như vậy. Chị đã trải qua không biết bao nhiêu là đau khổ cùng cực của cuộc đời. Gặp chị, ai cũng ngỡ là chị mạnh mẽ, ngang tàng. Dáng người đậm, nước da hơi ngăm, kể về nỗi đau mà luôn nở nụ cười – một hình mẫu của người tuổi Dần. Nhưng nhìn sâu vào mắt chị mới hiểu đằng sau vẻ ngoài cứng cỏi là một đôi mắt luôn nhìn xa xăm, đằng sau một con hổ kiên cường là những góc khuất trong tâm hồn nhạy cảm mà chị luôn che dấu. Đâu phải người tuổi Dần lúc nào cũng ngang tàng, bất chấp tất cả, cũng có lúc Trầm Hương âm thầm khóc một mình, để không ai phải lo lắng, để mình luôn là người mẹ kiên cường trong mắt các con. Mấy ai hiểu được những nỗi đau mà chị phải trải qua. Chị chấp nhận làm người thứ ba để sống với tình yêu của mình để rồi từ bỏ nhiều cơ hội tiến thân khi trở thành một bà mẹ đơn thân. Người đời có lúc nhìn chị mà dè bỉu, không đồng tình, nhưng có người lại đầy cảm thông cho số phận người đàn bà yếu đuối, đa cảm, ngây thơ và cả tin ấy. Chị không mạnh mẽ nhưng đầy dũng cảm. Chính cái lúc chị biết rằng người đàn ông mà chị yêu say đắm đòi giết chết đứa con trong bụng chị để rủ bỏ trách nhiệm chị nhận ra rằng, mình chỉ có thể dựa vào mình mà thôi. Chị kìm nén nỗi đau như bị dao đâm vào tận tim ấy để sinh 2 đứa con, để nuôi dạy 2 đứa trẻ thành người. Chị lao vào viết, viết và viết. Viết không những để nuôi con mà còn viết để trải lòng, viết để có thể chữa lành vết thương cứ âm ỉ đau trong tim. Những mất mát, đau thương của đời chị đã hằn lên từng con chữ.

Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà

Thế giới của khôn cùng đớn đau và êm dịu

Thế giới của loài mẫu đơn tự huỷ mình khi sinh nở

Thế giới của tận cùng thấp hèn xấu xa

Đó là những dòng đầu tiên của bài thơ chị viết sau khi sinh con được 20 ngày. Ngay cả những lúc tột cùng của nỗi đau thể xác và tâm hồn, cuộc đời Trầm Hương cũng nở ra được những vần thơ đẹp dù nó đầy những day dứt, xót xa.

Vốn liếng lớn nhất là tuổi trẻ

Chẳng những là người đàn bà mang nỗi đau tình ái, sự nghiệp cầm bút của Trầm Hương cũng đầy những gian truân. Cầm trong tay bằng kỹ sư nông nghiệp nhưng không an phận làm một cô kỹ sư ngày ngày bứt rứt vì không được sống với đam mê, chị từ bỏ công việc yên ổn đang còn dang dở để đi theo tiếng gọi của giấc mơ. Nhưng thời bao cấp, để một kỹ sư được đào tạo để phục vụ quê hương rời bỏ quê hương ra đi không phải là chuyện dễ dàng, chị đã vấp phải rất nhiều sự phản đối. Ngày chị chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, của cải hành lý chị mang theo chỉ là một cái giỏ rách, bung cả dây kéo, bên trong chỉ có vài bộ áo quần, tiền thì không có. Những ngày đầu chị phải ngủ lê lết ở bến xe, may lắm là xin vào nhà ai đó ngủ nhờ. Kể về những ngày cơ cực ấy chị không khỏi xót xa nhưng cũng không giấu được vẻ tự hào: “Lúc đó tôi chẳng có gì, vốn liếng lớn nhất của tôi lúc đó là tuổi trẻ”
Sau khi có được một nơi ở tạm bợ, chị lao vào viết, viết để trang trải cuộc sống, viết để thỏa ước mơ. Cuốn tiểu thuyết mà sau này được dựng thành kịch bản phim truyện, tác phẩm đánh dấu sự nghiệp của Trầm Hương Người đẹp Tây Đô ra đời trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn như thế. Chị cần mẫn viết hàng ngàn trang sách trong căn phòng nóng bức đến quạt máy cũng trở thành một thứ đồ xa xỉ. Nhưng đã có cái vốn liếng tuổi trẻ, chị không ngại khó khăn, chị sống bằng ước mơ của mình nên chẳng mảy may hối hận. Chị luôn tâm niệm, con đường nào cũng đáng để đi qua, dù nó có đầy gian truân biết mấy. Không phải bao giờ con đường bằng phẳng cũng là con đường tốt nhất. Có đi qua những khúc quanh, ngã rẻ, có dẫm lên bao đá sỏi gập ghềnh mới trân trọng những thành quả mà mình đạt được. Đã đi qua những con đường như thế chị mới thấm thía hết bao cảnh đời cảnh người, không chỉ nỗi đau của mình, nỗi đau của người cũng đã thấm đẫm những trang viết của chị.

Sự nghiệp của Trầm Hương không chỉ dừng lại ở việc viết văn, viết thơ, chị còn là một nhà báo viết chân dung cực kỳ sắc sảo. Nhiều người thắc mắc công việc hiện tại của chị chẳng liên quan gì tới viết lách tại sao chị lại có thể họa lên nhân vật từ con chữ hay đến như thế. Chị chỉ cười và ôn tồn chia sẻ về công việc của mình. Hiện tại, chị đang công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Công việc giúp chị ngày ngày tiếp xúc với các hiện vật từ thời kháng chiến, được đọc và tìm hiểu về các nhân vật anh hùng. Đó chính là nguồn tư liệu quý giá để chị đưa vào các tác phẩm của mình. 

Giờ đây, khi đã bước qua khỏi cái tuổi ngũ tuần chị vẫn miệt mài viết. Chị lúc nào cũng làm việc không biết mệt mỏi, vừa viết văn, viết báo rồi viết kịch bản phim. Chị đã tự đốt cháy mình bằng ngọn lửa đam mê, trả giá bằng cả cuộc đời mình để những trang viết được tỏa hương. Chị là một mùi hương mang đủ vị mặn đắng của cuộc đời.

Hằng Lê
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
8 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trầm Hương - chân dung người đàn bà viết