Một mưa chiều cách đây 5 năm, nhiều bạn trẻ đã quây quần bên Giáo sư Trần Văn Khê trong căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để nghe ông say sưa kể về “món quà” (cuốn Tự truyện Trần Văn Khê - Những câu chuyện từ trái tim) mà ông đang dành tặng họ. Khi đó, ông 90 tuổi, lại phải ngồi trên xe lăn nhưng vẫn hăng say sáng tạo nghệ thuật.
Đó là 12 câu chuyện rất đời thường mà GS.TS Trần Văn Khê muốn chia sẻ với những người trẻ bằng một giọng văn giản dị mộc mạc rất chất Nam Bộ: Vượt khỏi, bóng mây buồn tuổi thơ mồ côi (không ai chọn cửa mà sanh và cũng không ai trong đời chưa từng ít nhiều trải qua sóng gió. Khi cuộc sống đẩy bạn vào nghịch cảnh, cũng rất cóthể đang trao cho bạn một cơ hội để bạn vững vàng hơn trong dòng đời).
Những bài ca cho bệnh tật (luyện tập thể thao để từ một thân thể còm cõi trở nên mạnh khỏe, cường tráng.. Khi bị bạo bệnh vẫn giữ tinh thần lạc quan), Học như thể đời chẳng dài lâu (những “mẹo vặt để viết đúng chính tả, để học âm nhạc, học ngoại ngữ).
Tự lực cánh sinh(đi đờn trong những quán ăn, diễn thuyết về âm nhạc, đóng phim để mưu sinh nhưng vẫn luôn giữ lòng tự trọng, tự tôn dân tộc), làm chủ bản thân (vui không quá đà, biết kìm nén cơn giận, yêu mà không si...),
Tùy cơ ứng biến (cuộc sống có những đột biến xảy ra không như mong đợi, hãy bình tĩnh vận dụng mọi khả năng để thích nghi với hoàn cảnh), Yêu đờn như yêu người (cây đờn là người bạn đồng hành không bao giờ phản bội mình), Việt Nam luôn trong tim (nâng niu tiếng nước mình, giới thiệu hình ảnh Việt Nam qua cung đờn và cuộc đối đầu thú vị giữa GS.TS Trần Văn Khê và một cựu thủy sư đô đốc người Pháp để bảo vệ những giá trị đẹp đẽ của đất nước Việt Nam),
Dạy con bằng trái tim tỉnh táo (những phương pháp dạy dỗ con đáng để các phụ huynh suy ngẫm), Yêu chiếc áo dài để thêm hiểu mình là ai (tự hào khi được mặc “quốc phục” áo dài, khăn đóng để đánh đờn hoặc diễn thuyết ở bất cứ nơi đâu trên thế giới), Hạt ngọc tâm hồn mang tên khiêm tốn (những điều tôi đã biết không nghĩa lý gì đối với những điều tôi chưa biết...
Và tôi tiếp tục học hỏi đến hơi thở cuối cùng), Cố gắng ứng đối trọn vẹn với người (trong nhiều trường hợp ta nên có thái độ mềm dẻo, đừng quá cứng rắn với lập trường của mình...).
Ngoài 12 câu chuyện trên, tập sách còn có phần phụ lục GS.TS Trần Văn Khê - Một hồn thơ rộng mở gồm thơ xướng họa với thân hữu, với con, thơ viết cho con, thơ làm trong bệnh viện, thơ khai bút đầu năm...
Hà Đình Nguyên/ Theo Thanh Niên