Chiều 26.2, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học "Ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo - Phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long năm 2012 - 2014".
|
Rất đông các nhà khoa học có mặt tại buổi tọa đàm về ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" |
Buổi tọa đàm có sự hiện diện và đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, các nhà khảo cổ học, cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử xung quanh những vấn đề hiện còn chưa được đồng thuận về niên đại, chất liệu, chức năng và công tác phát huy giá trị của ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" được phát hiện tại khu vực Vườn Hồng.
Có cơ sở để tin rằng ấn "Sắc mệnh chi bảo" có từ thời Trần
Trong đợt khai quật năm 2012-2014, ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" đã được tìm thấy tại khu vực Vườn Hồng (hố khai quật G18, khu G). Ấn được làm từ loại gỗ quý, có màu nâu, còn nguyên thớ gỗ, không bị mối mọt.
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" được tìm thấy trong tầng văn hóa nguyên vẹn, không bị xáo trộn của thời Trần (thế kỷ 13-14), cùng với một số hiện vật thời Trần tiêu biểu khác, có niên đại khoảng 700 năm.
"Nguyên trạng miếng gỗ bị vỡ làm 2 mảnh, có 2 mặt rõ ràng, mặt ấn và lưng ấn, theo đúng quy định của ấn tín Việt Nam. Hiện vật nằm trong lớp văn hóa thời Trần, không có sự xáo trộn, bao quanh là các di tích thời Trần khác, vì thế đương nhiên nó thuộc thời Trần".
Có ý kiến thắc mắc liệu một hiện vật gỗ có thể tồn tại trong khoảng thời gian 600-700 năm như vậy không, thì câu trả lời là có. Cũng theo PGS Tín: "Đồ gỗ trong các di chỉ khảo cổ học, về cơ bản bị phá hủy nhiều nhất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhiều di tích, di vật gỗ được giữ lại như nhà sàn Đông Sơn, đồ gỗ tồn tại cách đây 2.500 năm".
Theo giới nghiên cứu lịch sử, nhiều khả năng đây chính là chiếc ấn gỗ nổi tiếng được Đại Việt sử ký toàn thư nhắc tới. Cụ thể, sách viết rằng: "Năm Đinh Tỵ (1257), khi vua thân hành thống lĩnh quân đi chống giặc, quan giữ ấn giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy bị mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng chiếc ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chỗ cũ".
Tạm hiểu là vào năm 1257, khi rời Thăng Long cầm quân đi đánh giặc Nguyên Mông, vì việc quân cơ gấp rút nên vua Trần Thái Tông đã sai người giấu ấn chính lên rường điện Đại Minh, chỉ mang theo ấn nội mật nhưng không may lại bị thất lạc dọc đường đi. Trước tình thế này, vua Trần Thái Tông đành sai khắc gỗ làm ấn để sử dụng tạm thời ngoài trận tiền. Đến khi thắng trận năm 1258, về lại kinh đô thì thu được ấn mất dọc đường và ấn còn giấu được ở điện Đại Minh. Số phận chiếc ấn gỗ không thấy nói đến nữa.
Nên hay không tổ chức khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long?
Trong lễ dâng hương khai xuân Hoàng thành Thăng Long (16.2 - tức ngày 9 tháng giêng Bính Thân), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội lần đầu tiên tổ chức thử nghiệm lễ khai ấn tại khu vực điện Kính Thiên.
Cũng trong dịp này, bà Nguyễn Thị Yến - Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết thời gian tới có thể lấy ý kiến các nhà nghiên cứu về việc tổ chức khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” tại Hoàng Thành Thăng Long hằng năm.
Tại buổi tọa đàm hôm nay, có một số ý kiến phát biểu bày tỏ sự không đồng thuận với việc tổ chức khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long hằng năm mà hãy coi ấn "Sắc mệnh chi bảo" như một cổ vật cần bảo tồn và trân trọng.
Câu chuyện phát ấn đền Trần thời gian qua luôn là điểm nóng phức tạp. Từ chiếc ấn tưởng nhớ công ơn tiền nhân đã biến tướng thành việc cầu may, cầu thăng quan tiến chức... khiến ý nghĩa của lễ hội bị bóp méo, trở nên lộn xộn.
Kết luận của GS Phan Huy Lê
Theo GS Phan Huy Lê, có đủ cơ sở để kết luận ấn "Sắc mệnh chi bảo" có niên đại từ thời Trần.
Thứ nhất, ấn này được phát hiện tại tầng văn hóa thời Trần không bị xáo trộn. Tầng văn hóa đó nằm sau thời Lý và trước thời Lê sơ, cùng với các di vật của thời nhà Trần. Có thể kết luận hai điều theo cơ sở khoa học. Một là, đây là vật thật, đào được trong khi khảo cổ chứ không phải ngụy tạo. Hai là, không thể nói là hiện vật gỗ không bị mục mà có thể tồn tại, bởi trước đời Trần, còn rất nhiều hiện vật gỗ cũng đã được tìm thấy ngay trong Hoàng thành Thăng Long suốt từ thời Lý, Đại La...
Thứ hai là cần phải bảo quản ấn thật tốt. Cần tổ chức nghiên cứu, giám định, xác minh niên đại, đồng thời khảo cứu kỹ hơn nữa về ấn "Sắc mệnh chi bảo" này.
"Tuy chưa đi đến kết luận cuối cùng về ấn "Sắc mệnh chi bảo", nhưng với những gì chúng ta đã nhận thức được, thì đây là một di vật rất quý nên cần phải phát huy giá trị, có thể theo hai xu hướng, thứ nhất là tổ chức khai ấn, phát ấn, thứ hai là coi ấn như một cổ vật cần gìn giữ", GS Phan Huy Lê nói.
GS Phan Huy Lê cũng bày tỏ ý kiến cá nhân là không nên tổ chức khai ấn, phát ấn như đền Trần (Nam Định). Ấn đền Trần không phải "Sắc mệnh chi bảo" mà là ấn thờ. Còn "Sắc mệnh chi bảo" là ấn của vương triều, không thể làm giống như thế. Thời Nguyễn đã chép rất rõ về lễ khai ấn và phong ấn. Đó là một nghi thức chứ không phải lễ hội, và chỉ được thực hiện trong phạm vi nhất định.
"Tổ chức phát ấn để cầu may, cầu quan, cầu tước... nên rút kinh nghiệm từ đền Trần, theo tôi không nên làm. Nếu làm phải nghiên cứu rất cẩn thận", GS Phan Huy Lê nói.
Theo VOV