Số 6 hay số 9" là còn tùy thuộc vào vị trí quan sát của hai bên. Và tất nhiên, nếu chỉ đứng ở vị trí quan sát của mình mà đánh giá, thì trong khi bên này nhìn ra "số 6" là đúng thì bên kia lại nhìn ra "số 9" mới là đúng.

Tranh luận của đại biểu Nhưỡng và ngành công an: Câu chuyện 'số 6 hay số 9'

08/11/2018, 13:03

Số 6 hay số 9" là còn tùy thuộc vào vị trí quan sát của hai bên. Và tất nhiên, nếu chỉ đứng ở vị trí quan sát của mình mà đánh giá, thì trong khi bên này nhìn ra "số 6" là đúng thì bên kia lại nhìn ra "số 9" mới là đúng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (trái) và đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (phải) - Ảnh: báo NLĐ.

Tranh cãi vẫn chưa dứt sau những chất vấn gây dậy sóng dư luận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng với Bộ trưởng Bộ Công an hôm 31.10 tại nghị trường Quốc hội. Dậy sóng là ở chỗ, ông Nhưỡng đánh giá “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”.

Đại biểu Nhưỡng dẫn hàng loạt con số minh chứng cho quan điểm của mình như tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%...

“Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong lĩnh vực này”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Sau đó phía ngành công an đã có cả phát ngôn chính thức lẫn không chính thức của một số thành viên đại diện cho ngành về thông tin đại biểu Nhưỡng đưa ra.

Theo phía ngành công an, số liệu mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra là tự tính toán và đưa ra nhận xét. Trong 120.142 đơn mà cơ quan tố tụng đã tiếp nhận thì có 87 đơn là chưa thụ lý. Trong 87 đơn chưa thụ lý này, có 82 đơn là công an chưa thụ lý. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lấy 82 chia cho 87 thành 94%. Về quá hạn giải quyết là 3.368 đơn, trong đó công an có 3.360 nên đại biểu tính ra 99,7%.

Cũng theo ngành công an, toàn bộ số liệu không phải là công bố chính thức của Viện Kiểm sát. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhầm lẫn trong tổng số, tức là phải lấy 87 này để chia cho 120.142 mới ra tỷ lệ là họ giải quyết sai đến mức nào.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng so sánh trong 4 cơ quan thì công an là sai phạm nhiều nhất nhưng trong bài phát biểu lại không nói cái này mà nói là kinh khủng và sai rất nghiêm trọng, khiến dư luận có thể hiểu nhầm.

Tuy nhiên có lẽ ngành công an đã quá lo về chuyện dư luận... hiểu nhầm ngành của mình. Cũng xin lưu ý, trong thời gian gần đây, bên cạnh những chiến công thì ngành công an đã có những thành viên vi phạm pháp luật, có một số trường hợp đến mức rất nghiêm trọng.

Đó là những người như trung tướng công an Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, là đại biểu Quốc hội khóa 12, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao. Cả hai cùng bị truy tố tội đánh bạc. Hay thượng tá công an Phạm Văn Lam, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Thái Bình bị truy tố về nghi án hiếp dâm tập thể trẻ em,... Và nhiều cán bộ chiến sĩ công an vi phạm khác.

Hiển nhiên một điều rằng, nếu trước đó họ không có vi phạm gì trong công tác, thì đâu đến nỗi đùng một cái, họ bỗng trở thành tội phạm như thế?

Cho nên, nếu như ngành công an phát hiện được những vi phạm trong công tác của họ từ sớm thì đã không có những thành viên biến thành tội phạm như thế. Đó là một thực tế mà ngành công an cần hết sức lưu ý đến.

Đại biểu Nhưỡng nói thế nào là một chuyện, còn dư luận vẫn có những kênh thông tin khác để kiểm chứng về hoạt động của ngành công an. Và người dân thì vẫn tiếp xúc với lực lượng công an hằng ngày nên rất hiểu họ, cho nên ngành công an không phải lo về việc mình bị hiểu nhầm qua thông tin của đại biểu Nhưỡng.

Và ở đây cũng phải nói rõ thêm rằng, cả hai cách đánh giá của đại diện ngành công an và đánh giá của đại biểu Nhưỡng đều đúng, nhưng là đúng theo góc nhìn của mình. Và do mỗi bên chỉ khăng khăng đứng ở vị trí của mình mà nhận xét, cho nên đã dẫn câu chuyện tranh luận này đi đến trạng thái tranh cãi mà người ta vẫn gọi là theo kiểu "đây là số 6 hay số 9?".

"Số 6 hay số 9" là còn tùy thuộc vào vị trí quan sát của hai bên. Và tất nhiên, nếu chỉ đứng ở vị trí quan sát của mình mà đánh giá, thì trong khi bên này nhìn ra "số 6" là đúng thì bên kia lại nhìn ra "số 9" mới là đúng. Từ đó dẫn đến tình trạng là, cùng một vấn đề mà có 2 cái nhìn đối lập nhau nhưng lại đều đúng từ góc nhìn của mình!

Tình trạng tranh cãi "số 6 hay số 9" này hiện nay là khá phổ biến, dẫn đến những cuộc tranh cãi kéo dài mãi không có hồi kết, chỉ vì các bên đối diện nhau lại không cố gắng đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu được cái lý của nhau.

Cho nên, nhân câu chuyện tranh luận giữa đại biểu Nhưỡng và ngành công an, xin lưu ý về chuyện tranh luận "số 6 hay số 9" này, để các bên khi tranh luận thì cố gắng hiểu được nhau mà sớm đi đến thống nhất về cách nhìn.

Và ở câu chuyện tranh luận của đại biểu Nhưỡng với ngành công an, thì cũng xin lưu ý cả hai bên rằng, một bên là đại biểu quốc hội, là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, còn một bên là "công an nhân dân", tức trên nguyên tắc là công an của nhân dân, sinh ra từ nhân dân và để bảo vệ nhân dân. Cho nên cả hai bên dù có thể có những bất đồng do góc nhìn, nhưng đều có điểm chung là mục đích làm việc đều vì nhân dân, đều có lý tưởng là vì nhân dân phục vụ.

Phạm Mạnh Hà

Bài liên quan
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng lĩnh án 13 năm tù, Lê Thanh Vân 7 năm tù
HĐXX TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng 13 năm tù (tổng hợp cả 2 tội danh), bị cáo Lê Thanh Vân lĩnh án 7 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh luận của đại biểu Nhưỡng và ngành công an: Câu chuyện 'số 6 hay số 9'