Những thiếu niên thường xuyên nói chuyện với bố cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống hơn so với trẻ khác, một cuộc khảo sát cho thấy.
Các nhà khoa học của Trường đại học Harvard vừa cho biết rằng những đứa trẻ nhận được nhiều tình yêu thương của bố sẽ thông minh hơn. Cũng trong công trình nghiên cứu của mình, các nhà khoa học cho rằng thời gian người bố ở bên đứa trẻ nhiều hay ít cũng ảnh hưởng trực tiếp tới trí thông minh của trẻ về phương diện toán học.
Bài học xã hội đầu tiên mà trẻ học được sau khi ra đời chính là bài học ở gia đình và cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà mọi người thường nói rằng “Thiên tài được tạo ra từ bàn tay của người cha”.
Để lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho rằng, từ khi ra đời cho tới khi được 3 tuổi, trẻ sẽ “thân” với mẹ. Tuy nhiên, từ 3 tuổi trở đi thì trẻ sẽ nghiêng hẳn về người cha. Sự yêu thương của người cha chính là yếu tố cơ bản để trẻ dễ dàng tiếp nhận sự giáo dục sau này.
Các chuyên gia của Đại học York tại Anh phỏng vấn 1.200 người có độ tuổi từ 11 tới 15 để tìm hiểu các nhân tố thúc đẩy mức độ mãn nguyện với cuộc sống của thiếu niên. Họ đưa ra một số câu hỏi để đánh giá mức độ giao tiếp giữa thiếu niên với các thành viên khác trong gia đình, đồng thời yêu cầu các em tự đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống theo thang điểm 100.
Kết quả cho thấy những thiếu niên thường xuyên trò chuyện nghiêm túc với bốcảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hơn so với các em hiếm khi làm như vậy. Tuy nhiên, chỉ có 13% trẻ thường xuyên tâm sự những điều thầm kín với bố. 45% thiếu niên thừa nhận các em hầu như không bao giờ thổ lộ với bố về những chủ đề quan trọng, còn 28% nói chúng không thảo luận những vấn đề quan trọng với mẹ.
Các chuyên gia cũng nhận thấy trẻ có xu hướng giảm dần các cuộc nói chuyện với bố về những chủ đề quan trọng khi chúng lớn lên. Chẳng hạn, 42% trẻ 11 tuổi tâm sự với bố về những chủ đề quan trọng hơn một lần mỗi tuần, nhưng chỉ có 16% trẻ 15 tuổi làm việc đó.
“Cuộc điều tra này cho thấy mức độ hài lòng với cuộc sống của trẻ phụ thuộc chặt chẽ vào việc chúng có thường xuyên trò chuyện với bố hay không. Nhưng trong xã hội hiện đại, số lượng trẻ em không thích tâm sự với bố hoặc sống xa bố ngày càng tăng”, Bob Reitemeier, Giám đốc Hiệp hội Trẻ em Anh, phát biểu.
Quỳnh Anh (tổng hợp)