Rất nhiều bé rất đáng yêu, cân nặng và sức khỏe tốt nhưng vẫn bị chối bỏ. Dù biết rằng ai cũng có nỗi niềm nhưng khi chứng kiến cảnh sinh linh bé bỏng nằm một mình trên giường ngơ ngác như đang tìm kiếm người thân không thể không xót xa.

Trẻ sơ sinh liên tục bị bỏ rơi vì đời sống công nhân còn chật vật

Một Thế Giới | 29/06/2015, 05:57

Rất nhiều bé rất đáng yêu, cân nặng và sức khỏe tốt nhưng vẫn bị chối bỏ. Dù biết rằng ai cũng có nỗi niềm nhưng khi chứng kiến cảnh sinh linh bé bỏng nằm một mình trên giường ngơ ngác như đang tìm kiếm người thân không thể không xót xa.

Từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 15 bé sơ sinh bị bỏ rơi. Đặc biệt hơn một tháng gần đây thì tình trạng này liên tiếp xảy ra.
Đa dạng kiểu chối bỏ con
Ôm trong lòng một đứa trẻ sơ sinh, nữ điều dưỡng ngoài đôi mươi luôn vỗ về, trên tay cầm bình sữa cho “con” bú. Miệng bé tóp tép bú sữa bình, đôi mắt đen tròn nhìn người bế. Bé trai hơn 20 ngày tuổi, nặng gần 3 kg bị mẹ bỏ rơi ở khu nhà trọ trong khu dân cư Thuận Giao (thị xã Thuận An, Bình Dương) được mọi người đưa vào bệnh viện chăm sóc.
Chị Đặng Thị Yến (quê Hậu Giang) thuê trọ tại khu dân cư Thuận Giao cho biết sáng 25-6 chị đang ở phòng thì thấy cô gái ngoài đôi mươi đi bộ đến, ẵm bé trai đang quấy khóc đến nhờ giữ giúp để đi lấy đồ gần đó. “Người mẹ trao đứa con cho tôi rồi bước đi với dáng vẻ vội vã lắm. Lúc đó tôi không nghĩ rằng người mẹ này lại nỡ bỏ đứa con trai của mình. Tuy nhiên, chờ hết cả ngày không thấy người phụ nữ quay lại. Thấy đứa trẻ khóc tội nghiệp quá nên mọi người khuyên tôi đưa đến bệnh viện để được chăm sóc” - chị Yến kể. Bé trai này được các bác sĩ tạm đặt tên Nguyễn Thành Danh và tình trạng sức khỏe của bé khá tốt.
Ngày 13-6, sản phụ Kim Thị Ph. (địa chỉ tỉnh Trà Vinh) đến BV Đa khoa Bình Dương sinh thường được một bé trai rất kháu khỉnh. Tuy nhiên, khi đến sinh chị Ph. chỉ đi có một mình. Lúc này sản phụ khai tên cha đứa trẻ là Triệu Đau Q. (cùng quê Trà Vinh) và cả hai người đều làm công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bốn ngày sau khi sinh thì bác sĩ chỉ  thấy đứa trẻ sơ sinh, còn người mẹ đã bỏ trốn khỏi bệnh viện. Các bác sĩ đặt tên cháu là Triệu Phi Long.
Trước đó, ngày 18-5, chị Huỳnh Thị T. (25 tuổi, quê Sóc Trăng) nhập viện và sinh thường được một bé gái. Mấy ngày sau chị T. trốn khỏi bệnh viện bỏ lại đứa con. Mới đây, có một trường hợp đặc biệt là sản phụ Trần Thị P. (14 tuổi, địa chỉ Thanh Hóa) nhập viện sinh non được bé trai và chuyển qua khoa Nhi để chăm sóc. Sau đó P. đã bỏ trốn khỏi bệnh viện. Bé trai đã tử vong do nhiễm trùng huyết sơ sinh.
Không chỉ Bình Dương xót xa…
BS Nguyễn Thị Hồng Thủy, Trưởng khoa Nhi, cảm thấy rất đau xót khi những trường hợp bỏ rơi con do có thai ngoài ý muốn, bị gia đình ngăn cấm hôn nhân hoặc hoàn cảnh kinh tế khó khăn… Điều đó khiến trẻ bị bỏ rơi ngày càng tăng.
“Rất nhiều bé rất đáng yêu, cân nặng và sức khỏe tốt nhưng vẫn bị chối bỏ. Dù biết rằng ai cũng có nỗi niềm nhưng khi chứng kiến cảnh sinh linh bé bỏng nằm một mình trên giường ngơ ngác như đang tìm kiếm người thân không thể không xót xa. Bây giờ nhiều gia đình hiếm muộn con cái phải đi chạy chữa nhiều nơi, tốn kém mới mong có được đứa con. Vậy mà các bé được sinh ra người mẹ dễ dàng vứt bỏ con cái” - BS Thủy chia sẻ.
Những sinh linh bé bỏng sau khi tìm kiếm người thân không thấy ai đến nhận được các bác sĩ đặt tên trìu mến, mạnh mẽ hoặc tên là chữ lót của tên mẹ, tên cha, như Nguyễn Thành Danh, Triệu Phi Long, Trần Phi Long, Nguyễn Mạnh Hùng... Hầu hết các bé được chăm sóc khoảng vài tháng, khi sức khỏe đã tốt sẽ chuyển giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp tục nuôi dưỡng.
Không chỉ riêng Bình Dương mà tại Đồng Nai, BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc BV Nhi đồng Đồng Nai, nhận định gần đây tình trạng bỏ rơi con tại bệnh viện có xu hướng tăng. Cha mẹ bỏ rơi con phần lớn là công nhân hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chưa ổn định cuộc sống gia đình...
Bình Dương hiện có khoảng một triệu công nhân lao động, trong đó tỉ lệ lao động nữ gần 70%. Cuộc sống xa gia đình, thiếu tình cảm… nên chuyện “góp gạo thổi cơm chung” khá phổ biến. Bên cạnh đó công nhân còn hạn chế đọc sách, báo để trang bị các kiến thức nên ít hiểu biết về sức khỏe sinh sản. Vì vậy rất nhiều nữ công nhân mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, mắc các bệnh phụ khoa, làm mẹ đơn thân…
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết thời gian qua liên đoàn đã phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và một số doanh nghiệp xây dựng mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thân thiện và khép kín ở một số doanh nghiệp.
Công đoàn của một số doanh nghiệp tổ chức các buổi giao lưu để nâng cao kiến thức an toàn tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, lạm dụng tình dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thiết lập góc nhỏ thông tin thân thiện tại các khu nhà trọ công nhân. Một số doanh nghiệp đã đưa nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa cho lao động nữ vào thỏa ước lao động tập thể.
Bỏ rơi con sau sinh bị phạt đến 15 triệu đồng
Điều 22. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em
1.Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a)Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;
…Trích Nghị định 144/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Vũ Hội/ Theo Pháp luật TPHCM
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ sơ sinh liên tục bị bỏ rơi vì đời sống công nhân còn chật vật