Mới đây, một bệnh nhi 27 tháng tuổi (quê Phú Thọ) bị rơi vào tình trạng hôn mê nguy kịch sau khi dùng thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg đã khiến không ít người cảm thấy đau lòng. Vậy khi nào nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ và sử dụng như thế nào để không phải gặp sự cố đau lòng trên.

Trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol bị nguy kịch, vì đâu nên nỗi?

15/08/2019, 19:38

Mới đây, một bệnh nhi 27 tháng tuổi (quê Phú Thọ) bị rơi vào tình trạng hôn mê nguy kịch sau khi dùng thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg đã khiến không ít người cảm thấy đau lòng. Vậy khi nào nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ và sử dụng như thế nào để không phải gặp sự cố đau lòng trên.

Ảnh minh họa

Thông tin cho biết, một bệnh nhi 27 tháng tuổi bị hôn mê sau khi vào viện với dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều. Trước đó, người nhà đã cho bé uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày khi bé sốt cao.

Chỉ 2 giờ sau khi vào viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan.

Đề cập đến vấn đề này, các chuyên gia nhi khoa cho rằng đây là một sự việc rất đau lòng, vì thuốc Paracetamol là một loại thuốc hạ sốt phổ biến nhất hiện nay, được bán mà không cần sự kê đơn của bác sĩ, lại được sử dụng quá liều cho một đứa trẻ chỉ hơn 2 tuổi.

Theo BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trẻ chỉ được xem là sốt khi nhiệt độ hậu môn của bé từ 38 độ C trở lên; còn bình thường thân nhiệt tự điều hòa trong khoảng 37 độ C ± 0,6 độ C.

Muốn xác định trẻ đó có sốt hay không hãy đo nhiệt độ. Nếu chỉ sờ trán, cảm nhận bằng tay thường rất chủ quan, đặc biệt khi bàn tay của bạn mát, thậm chí lạnh khi trời lạnh.

“Đo nhiệt độ ở hậu môn là chính xác nhất. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ có thể đo nhiệt độ ở nách; nhiệt độ này thường thấp hơn nhiệt độ hậu môn khoảng 0,5 độ C. Như vậy, khi bé có nhiệt độ ở nách trên 37,5 độ C đã được xem là bị sốt”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Tuy nhiên bác sĩ Tiến cho rằng nhiều bậc cha mẹ hiện nay đang sai lầm khi nghĩ sốt là một bệnh của trẻ, phải điều trị, đơn giản nhất là dùng thuốc uống hạ sốt. Nguyên nhân thường nhất của sốt là nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Khi bị tác nhân gây bệnh xâm nhập, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng thân nhiệt nhằm thúc đẩy các phản ứng bảo vệ để loại trừ mầm bệnh. “Như vậy, sốt không phải là một bệnh, mà là một dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể của bé đang tích cực chống lại tác nhân gây bệnh. Do đó, điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây sốt, chứ không phải là hạ sốt bằng mọi cách”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.

Bác sĩ Tiến cũng đưa ra phương pháp chăm sóc trẻ bị sốt hiệu quả, không gây ra những nguy hiểm như sau:

Khi nào chăm sóc trẻ tại nhà:

Khi bé sốt nhẹ, hãy cho bé nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi, cho bé uống nhiều nước (sữa, nước lọc, nước hoa quả, nước canh,…) và ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Trẻ bị sốt cần cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng bằng cotton để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt

Tuy nhiên, khi sốt quá cao (trên 39 độ C), bé sẽ dễ mất nước và thường rất mệt, lúc này các bậc cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt:

Thuốc hạ sốt an toàn là Acetaminophen (Paracetamol), tên biệt dược là Hapacol, Efferalgan,… Liều thông thường là 10-15 mg/kg cân nặng của bé cho mỗi lần uống, và 2 lần dùng cách nhau ít nhất 6 giờ. Tuy nhiên, nếu bé dưới 2 tuổi thì tốt nhất nên dùng thuốc hạ sốt theo liều chỉ định của bác sĩ. Tránh lạm dụng thuốc và dùng thuốc quá liều khi bé sốt cao liên tục – dùng thuốc hạ sốt nhiều hơn liều hướng dẫn, làm tăng nguy cơ quá liều, ngộ độc thuốc.

Các bật cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt dạng uống hay nhét hậu môn. Cả 2 dạng này đều có tác dụng hạ sốt. Đối với trẻ bị ói nhiều hay đang ngủ thì dùng thuốc đặt hậu môn là hợp lý; còn trẻ đang bị tiêu chảy thì dùng thuốc hạ sốt dạng uống sẽ tốt hơn. Trong mỗi cữ thuốc hạ sốt, trẻ chỉ dùng một trong 2 đường uống hoặc hậu môn, không được dùng cả 2 đường cùng lúc.

Bên cạnh đó, dược chất Ibuprofen (biệt dược Ibrafen, Nurofen, Advil,…) có sẵn trên thị trường cũng có thể giúp hạ sốt. Tuy nhiên, loại thuốc này nên sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ, không dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Lau mát cho bé với nước ấm khoảng 30 độ C bằng cách dùng 5 khăn nhúng nước ướt vừa phải, 4 cái đắp ở nách và bẹn, 1 cái lau phần cơ thể còn lại (tránh bàn tay, bàn chân). Chỉ lau mát khi đã dùng thuốc hạ sốt ít nhất 30 phút, tuyệt đối không được lau bằng nước đá, giấm, rượu hay chanh, vì có thể gây nhiễm độc.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám:

Trẻ dưới 3 tháng tuổi, ngay cả khi trẻ vẫn có vẻ khỏe và sốt không cao

Bé 3-36 tháng tuổi, nếu ở một trong các trường hợp sau:

Sốt trên 38 độ C, hay sốt hơn 3 ngày, hay có vẻ không khỏe (quấy khóc, lừ đừ, không chịu uống…).

Ở bất kỳ tuổi nào, cũng cần đưa trẻ đi khám ngay nếu:

Sốt trên 40 độ C, hay sốt kéo dài đã 7 ngày (dù không sốt nhiều mỗi ngày), hay có sẵn 1 bệnh lý mạn tính nào đó, hay phát ban mới xuất hiện, hay kèm dấu hiệu nặng (không uống được, nôn tất cả mọi thứ, co giật; hay li bì khó đánh thức), hay có triệu chứng ở cơ quan, bộ phận nào đó (ho nhiều, khó thở, đau tai, đau bụng…).

Những điều không nên làm:

Quấn kín trẻ; kiêng ăn uống; nặn chanh, đổ sả, đổ thuốc vào miệng trẻ khi trẻ đang co giật vì gây sặc, tắc đường thở đưa đến tử vong. Cạo gió, cắt lễ...

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol bị nguy kịch, vì đâu nên nỗi?