Ngày 11.11, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đã phát đi cảnh báo triều cường khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh và ở mức cao.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai lên nhanh và ở mức cao. Tính đến 7 giờ ngày 11.11, mực nước cao nhất ngày thực đo tại các trạm như sau: trạm Phú An là 1,51m (xấp xỉ báo động 2); trạm Nhà Bè là 1,54m trên (báo động 2); trạm Thủ Dầu Một là 1,61m (xấp xỉ báo động 3).
Theo dự báo, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai có khả năng biến đổi trong 2 - 3 ngày đầu, sau sẽ lên nhanh theo kỳ triều cường rằm tháng 10 Âm lịch.
Đến ngày 14.11, đỉnh triều cao nhất ngày ở mức xấp xỉ hoặc dưới báo động 3 khoảng 0,05m; ngày 15.11, đỉnh triều cao nhất ngày ở mức xấp xỉ hoặc trên báo động 3.
Đỉnh triều đợt này có thể xuất hiện vào ngày 16 và 17.11 ở mức như sau: trạm Phú An và trạm Nhà Bè ở khoảng 1,65 - 1,75m, cao hơn báo động 3 từ 0,05 - 0,15m, thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4 - 6 giờ và 17 - 19 giờ; trạm Thủ Dầu Một ở khoảng 1,7 - 1,8m, cao hơn báo động 3 từ 0,10 - 0,20m.
Đây là kỳ triều cường cao, cần đề phòng ngập úng những vùng trũng thấp, ven sông gây ảnh hưởng tới giao thông và các hoạt động kinh tế - xã hội khu vực TP.HCM. Mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ở cấp độ 2.
Theo dự báo, bão số 7 hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông có xu hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Nam và suy yếu dần. Khoảng ngày 17 - 18.11, được tăng cường trở lại; rãnh áp thấp có trục ở khoảng 4-7 độ vĩ Bắc suy yếu và mờ dần.
Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Bắc Trung Bộ. Gió Đông Bắc hoạt động với cường độ trung bình. Cơn bão số 7 có khả năng di chuyển về phía khu vực Tây Nguyên suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Thời tiết Nam Bộ, mây thay đổi, ngày nắng gián đoạn, chiều có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to. Đêm có mưa vài nơi. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.