Để có được niềm tin trong mọi đảng viên và quần chúng tử tế quả thực là không dễ và muốn niềm tin được củng cố hay không cũng là từ những thực tế đó.
Việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang cáo bệnh đi nước ngoài rồi bỏ trốn đã tròn 1 năm sau những hậu quả nặng nề để lại: gần 3.300 tỉ thua lỗ cho PVC (Tổng công ty Xây lắp dầu khí).
Hệ quả đối với đất nước thật là tang thương và cũng thật chua xót: Từ việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm ăn thiếu trách nhiệm, tham nhũng, gây hậu quả nghiêm trọng đến việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ sai đối tượng, sai quy trình rồi đến việc xét tặng các danh hiệu cho ông ta cùng PVC cho đến rất nhiều thứ nữa mà chỉ khi ông ta chạy trốn rồi mới biết. Tất cả đã cho thấy một điều rất rõ: hệ thống chính trị chúng ta đang bộc lộ nhiều lỗ hổng chí mạng, dường như đâu đâu cũng nặng "mùi kim tiền" từ việc chạy dự án, chạy chức, chạy danh hiệu thi đua, cho đến chạy tội v.v...
Những tưởng câu chuyện chẳng khác gì "vào rừng tìm sâu" này sẽ vô cùng khó khăn, vô vọng. Thế rồi, Trịnh Xuân Thanh về nước, "tìm đến cơ quan An ninh điều tra, bộ Công an để trình diện".
Có nhiều người nói với tôi rằng, việc Trịnh Xuân Thanh "xin về đầu thú" khiến cho không ít người có liên quan lo lắng và mất ngủ. Tôi nghĩ cũng không sao, và hy vọng đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Còn có cả triệu người Việt Nam vui chứ! Chí ít thì những người có trách nhiệm trước Đảng ở những cương vị cao nhất, đặc biệt là các vị trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng thấy nhẹ người trước áp lực trước Đảng và trước dư luận.
Để có được kết quả như hôm nay, tôi nghĩ không thể khác, đó là cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và đều phải có niềm tin mạnh mẽ. Cứ như tôi, tự thấy cũng đã có lúc cảm thấy mất niềm tin khi bộ Công an công bố lệnh truy nã quốc tế bởi thấy đó thật là việc khó vô cùng.
Nhớ lại chuyện hơn nửa năm trước, khi tiếp xúc với cử tri Đông Anh, Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: "Trịnh Xuân Thanh chỉ là Phó chủ tịch UBND một tỉnh thôi nhưng làm ghê gớm, móc ngoặc dây rợ như thế rồi bỏ trốn đi nước ngoài. Chúng ta đã truy nã đối tượng ra cả quốc tế, đang phối hợp với các cơ quan chức năng ở các nước, tinh thần là phải bắt bằng được, không trốn được đâu!".
Thú thật, lúc nghe nói vậy, trong tôi vẫn còn hoài nghi, thậm chí còn nghi ngại cả tới việc liệu đến khi bắt được rồi, pháp luật có làm đến tận cùng không nếu Trịnh Xuân Thanh lại khai ra tuốt tuột. Liệu "đánh chuột" có "ngại vỡ bình"?
Tôi hoài nghi bởi cũng chỉ cách đây 3 năm, khi các cơ quan tố tụng đưa ra xét xử vụ đại án Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái để tham ô trục lợi, Dũng đã khai ra cả chuyện tìm cách chạy tội và cả chuyện có quan chức cấp cao trong ngành công an bắn tin, "vẽ đường" cho Dũng trốn ra nước ngoài một thời gian để nghe ngóng rồi tính sau. Hội đồng xét xử hôm đó cho biết tòa không khống chế lời khai của Dương Chí Dũng và yêu cầu bị cáo khai rõ những gì muốn nói.
Trước sự mất mát quá lớn của những người thân đã vì Dũng mà bị liên lụy, trong những lời nói trước toà, Dương Chí Dũng đã khiến không một ai tại toà và sau đó là truyền thông đưa tin lại không choáng. Ông Dũng đã khai đến cả số tiền "khủng" lên tới 500 ngàn đô la để nhờ “người đó” trợ giúp khi được ông tướng này mật báo rằng Thủ tướng chiều hôm đó đã chấp thuận cho Cơ quan CSĐT bộ Công an bắt tạm giam mình.
Thế nhưng rồi năm đó, chúng ta lại không làm tới cùng dù trước đó, để có được những lời khai đắt giá này, cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã mất bao tâm sức thuyết phục Dương Chí Dũng thành khẩn khai báo...
Để có được niềm tin trong mọi đảng viên và quần chúng tử tế quả thực là không dễ và muốn niềm tin được củng cố hay không cũng là từ những thực tế đó.
Tất nhiên, để tránh những lời khai mang tính vu khống với mục đích trả thù cho hả hê vì thù tức mà lại được xem xét như tình tiết để giảm án, theo tôi cũng cần phải cẩn trọng để không có thêm người bị oan. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng không phải không có cách suy đoán vô can một cách thuyết phục để tránh hàm oan cho những cán bộ điều tra trung thực, những lãnh đạo được xem là sạch sẽ đang thực thi nhiệm vụ.
Tôi rất mừng trước những thông tin qua nay, từ chuyện của ông Trịnh Xuân Thanh cho đến vụ ông Trầm Bê cùng 25 bị can khác ở một số ngân hàng có liên quan đến việc cho vay thiếu trách nhiệm, trái quy định của pháp luật hết sức nghiêm trọng số vốn lên đến trên ba chục ngàn tỉ đồng mà lâu nay dư luận ì xèo chả biết đúng sai ra sao.
Kết luận trong phiên họp mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng cháy". Chúng ta nên hy vọng ở một quyết tâm mạnh mẽ như thế!
Quốc Phong