Khi việc lưu trữ carbon đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, thuật ngữ carbon xanh ngày càng được chú ý. Nhưng chính xác "carbon xanh" là gì?
Carbon xanh là gì?
Carbon xanh là lượng carbon được các hệ sinh thái biển thu giữ. Chúng ta biết rằng carbon dioxide (CO2) là một trong những loại khí nhà kính (GHG) quan trọng nhất và là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Vì GHG hầu hết được thải ra từ các hoạt động của con người nên việc giảm nồng độ CO2 trong khí quyển là điều tối quan trọng để làm chậm biến đổi khí hậu. Mặc dù cách bền vững nhất để làm điều này là cắt giảm lượng khí CO2 mà con người thải ra, nhưng việc lưu trữ carbon cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng CO2 đã thải vào khí quyển.
Lưu trữ carbon, còn được gọi là cô lập carbon, là quá trình loại bỏ carbon khỏi khí quyển và được lưu trữ trong “bể chứa carbon”. Mặc dù quá trình này có thể được tiến hành và đẩy mạnh thông qua các biện pháp công nghệ, nhưng phần lớn nó thường diễn ra trong tự nhiên mà trong đó, các đại dương và thảm thực vật ven biển đảm nhận một khối lượng lớn quá trình lưu trữ.
Làm thế nào quá trình lưu trữ hoạt động?
Rừng và cây cối là những bể chứa carbon tự nhiên phổ biến nhất và cho đến nay, những nỗ lực thúc đẩy quá trình cô lập carbon tự nhiên chủ yếu xoay quanh chúng. Chỉ gần đây, mối quan tâm đến đối phó với biến đổi khí hậu ngày càng tăng mới khiến vai trò của carbon xanh được chú ý.
Và bây giờ, con người phải thừa nhận carbon xanh đóng vai trò then chốt trong việc lưu trữ carbon trên toàn cầu. Tại thời điểm này, các phát hiện cho thấy hệ sinh thái đại dương có khả năng loại bỏ nhiều carbon khỏi khí quyển hơn cả những khu rừng “xanh” trên mặt đất. Trong khi đó, các hệ sinh thái thực vật ven biển được mô tả là có “đóng góp vượt trội vào việc hấp thụ carbon toàn cầu”.
Vậy, các hệ sinh thái này góp phần loại bỏ carbon như thế nào?
Các thảm thực vật, đầm lầy ven biển, rừng ngập mặn và rong biển, cả trên bờ biển và dưới nước… là những bể chứa carbon khổng lồ. Chúng lưu trữ CO2 thu được trong đất và trầm tích, nơi carbon có thể được lưu trữ trong hàng nghìn năm. Mặc dù có kích thước nhỏ hơn nhiều so với các khu rừng trên Trái đất nhưng chúng thực hiện việc này với tốc độ nhanh hơn nhiều. Ví dụ, thảm cỏ biển tuy chỉ bao phủ khoảng 0,1% đáy đại dương nhưng được ước tính lưu trữ khoảng 10 đến 18% lượng carbon trong đại dương.
Lượng carbon lớn nhất được lưu trữ trong chính nước biển, được gọi là “carbon biển sâu”. Người ta ước tính rằng đại dương có khả năng lưu trữ lượng carbon nhiều gấp 50 lần so với khí quyển nên có thể coi biển là bể chứa carbon lớn nhất trên Trái đất. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng biến đổi khí hậu và sau đó là quá trình axit hóa đại dương sẽ làm giảm khả năng cô lập carbon của biển.
Carbon xanh và biến đổi khí hậu
Cho đến nay, một số phương pháp đã được đề xuất để khai thác tiềm năng của carbon xanh. Đáng chú ý là phương pháp “trồng rừng trên biển” - tức là mở rộng thảm rong biển tự nhiên, có thể vươn từ ven bờ ra ngoài khơi. Một ý tưởng khác đơn giản là nhấn chìm một lượng lớn cỏ biển xuống đại dương. Tuy nhiên, như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, chúng ta vẫn biết quá ít về tác động của các biện pháp đó. Bản chất hỗn độn của môi trường biển khiến việc xác định hiệu quả trở nên khó khăn hơn nhiều so với trên mặt đất. Không chỉ vậy, các biện pháp chưa được thử nghiệm cũng có thể dẫn đến những hậu quả môi trường không lường trước được, thậm chí ảnh hưởng đến sinh kế của con người.
Một phương pháp khả thi khác để thúc đẩy carbon xanh và chống lại sự mất mát đa dạng sinh học là đưa thảm thực vật ven biển vào thị trường carbon thông qua việc mua bán tín chỉ carbon. Điều này sẽ tạo ra động lực cho việc phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái.
Tuy nhiên, trở ngại và mối quan tâm chính khi nói đến carbon xanh là tốc độ biến mất của các hệ sinh thái biển. Theo ước tính, mỗi năm, từ 2 - 7% trong số các hệ sinh thái biển đang bị biến mất, điều đó có nghĩa là chúng đang suy giảm với tốc độ còn nhanh hơn các khu rừng nhiệt đới. Hậu quả khiến không chỉ lượng carbon được cô lập ít hơn mà lượng carbon được lưu trữ trước đây cũng sẽ bị giải phóng và vào khí quyển. Do đó, bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết cần thiết để bảo vệ khí quyển.
Những vai trò ngoài biến đổi khí hậu
Tiềm năng carbon xanh và nguy cơ cao rình rập các hệ sinh thái biển làm nổi bật thực tế là biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học có mối liên hệ chặt chẽ với nhau chứ không phải là những vấn đề riêng rẽ. Điều này cũng đúng đối với việc thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó thảm thực vật ven biển là tài sản quan trọng.
Ví dụ, rừng ngập mặn vốn đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, đang biến mất với tốc độ nhanh hơn các loại thảm thực vật ven biển khác. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng thần và bão, dự kiến sẽ xảy ra với tần suất ngày càng tăng khi biến đổi khí hậu diễn ra, cũng đóng vai trò như một trở ngại lớn.
Trong 50 năm qua, các hoạt động của con người trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, phát triển đô thị… đã làm suy giảm hơn một phần tư số lượng rừng ngập mặn. Điều này đe dọa đa dạng sinh học đồng thời giảm thiểu khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó gây nguy hiểm cho động vật, thực vật và cả con người.
Khái niệm carbon xanh đóng vai trò như một lời nhắc nhở về mối liên hệ giữa con người với môi trường và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.