Báo New York Times đưa tin ngày 15.8, Tòa án nhân dân số 2 Bắc Kinh đã tuyên y án sơ thẩm đối với ông Hong Zhenkuai. Ông bị buộc tội phỉ báng 5 anh hùng liệt sĩ quyết tử thủ chống quân Nhật xâm lược hồi Chiến tranh thế giới thứ 2.

Trung Quốc: Cựu tổng biên tập bị xử thua kiện vì "phỉ báng lịch sử"

17/08/2016, 11:25

Báo New York Times đưa tin ngày 15.8, Tòa án nhân dân số 2 Bắc Kinh đã tuyên y án sơ thẩm đối với ông Hong Zhenkuai. Ông bị buộc tội phỉ báng 5 anh hùng liệt sĩ quyết tử thủ chống quân Nhật xâm lược hồi Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tranh vẽ 5 liệt sĩ anh hùng Lang Nha Sơn - Ảnh: China.org.cn

Phiên tòa sơ thẩm ở Bắc Kinh ngày 27.6.2016 đã tuyên ông Hong Zhenkuai (Hồng Chấn Khoái), cựu tổng biên tập tạp chí lịch sử Yanhuang Chunqiu (Viêm Hoàng Xuân Thu), đã phạm tội phỉ báng, làm mất uy tín 5 anh hùng liệt sĩ đồng thời buộc ông phải công khai xin lỗi các nguyên đơn trên các trang web và báo chí.

Trong bản luận tội, tòa sơ thẩm tuyên các bài báo của ông Hong đã dựa vào các chứng cứ không đủ tin cậy khiến dư luận nghi ngờ về một trong những chiến công lịch sử của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Bản luận tội viết: “Những hồi ức mang tính lịch sử và tinh thần dân tộc được phản ánh đầy đủ trong câu chuyện 5 anh hùng Lang Nha Sơn. Câu chuyện của họ là nguồn mạch quan trọng, là thành tố của những giá trị cốt lõi của Trung Quốc hiện đại. Vì thế, hành vi này đã phỉ báng và gây tổn hại đến những giá trị tinh thần của toàn dân tộc”.

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Hong đã kháng cáo. Sau khi tòa xử phúc thẩm hôm 15.8, ông khẳng định với báo New York Times: “Chắc chắn tôi sẽ không xin lỗi. Đây là vấn đề tự do ngôn luận cơ bản. Tôi cần bảo vệ nhân phẩm của tôi là một trí thức. Bản luận tội không làm tôi bất ngờ...".

Ông Hong cho biết ông chỉ cố gắng xác minh sự thật bằng cách nghiên cứu cẩn thận tài liệu. Ông nhất quyết cho rằng bên nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ nào để bác bỏ các lập luận của ông.

Ông cho biết tài khoản mạng xã hội Sina Weibo của ông bị tê liệt nên ông không thể công khai trình bày quan điểm: “Phán quyết không đề cập tôi nói xấu 5 liệt sĩ anh hùng như thế nào. Tôi đã phát hiện vài yếu tố trong câu chuyện chính thức khác hẳn với thực tế lịch sử. Vì vậy tôi không làm mất danh dự của 5 anh hùng liệt sĩ”.

Trong tuyên bố cuối cùng trình Tòa án nhân dân số 2 Bắc Kinh hồi đầu tháng 8, ông Hong khẳng định cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc là một phần của cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít và đấu tranh đòi quyền tự do, vì vậy "bất kỳ hoạt động nào tước bỏ quyền và tự do của công dân đều đi ngược với hành động của những người đã hy sinh vì tổ quốc”.

Luật sư của ông Hong cho biết do ông Hong không chịu xin lỗi, có lẽ tòa án sẽ công bố nội dung bản luận tội trên báo chí và tòa sẽ buộc ông trả tiền công in ấn.

Luật sư nhận xét: “Phán quyết của tòa rõ ràng sai sót vì nguyên đơn không hề nêu chi tiết phần nào không chính xác trong các bài báo của ông Hong... Đây là chuyện liên quan đến tự do ngôn luận và học thuật, nhưng tòa đã bác bỏ và điều này cho thấy chính quyền đã thiếu tự tin”.

Một câu chuyện khác về 5 anh hùng liệt sĩ

Câu chuyện “5 chiến sĩ anh hùng Lang Nha Sơn” đã lưu truyền hàng chục năm nay. Sách lịch sử kể rằng 5 chiến sĩ anh hùng đã quyết tử thủ chống quân Nhật trên mỏm núi Tiểu Sen của Lang Nha Sơn (tỉnh Hồ Bắc). Họ đã tiêu diệt hàng chục quân địch trước khi đập nát vũ khí rồi nhảy xuống núi tự vẫn, miệng hô to “Đảng Cộng sản Trung Quốc muôn năm!” chứ không chịu đầu hàng.

Câu chuyện về 5 anh hùng liệt sĩ xảy ra năm 1941 này được lưu truyền qua tranh, kịch, phim ảnh... ở bảo tàng và trong sách giáo khoa lịch sử để truyền bá tinh thần yêu nước và lòng hy sinh cho nhiều thế hệ học sinh Trung Quốc.

Đến năm 2013, nhà sử học Hong Zhenkuai chính thức phản bác câu chuyện trong hai bài báo. Trong các vấn đề ông nêu ra có thắc mắc như thực sự có bao nhiêu lính Nhật bị tiêu diệt? Có phải 5 anh hùng tự nguyện hy sinh bằng cách nhảy xuống núi hay bị trượt chân?

Sau khi nộp đơn kháng cáo, ông Hong đã từng thực hiện một chuyến đi từ Làng 5 anh hùng (cách Bắc Kinh khoảng 3 giờ xe) và tìm đến chiến trường xưa, nơi 5 anh hùng liệt sĩ đã tự vẫn. Một dân làng đã dẫn ông leo núi suốt 2 giờ 30 phút mới đến mỏm Tiểu Sen. Gần mỏm này có tấm bảng ghi “vị trí nhảy của 5 anh hùng”.

Một bài báo về “5 chiến sĩ anh hùng Lang Nha Sơn” đã được ông Hong đăng trên trang tin điện tử Caijing.com. Ông viết người dân kính trọng các anh hùng quân đội chống quân xâm lược nhưng sự thật lịch sử cũng phải được tôn trọng.

Ông Hong (trái) được người dân dẫn đến mỏm Tiểu Sen - Ảnh: New York Times

700 nông dân đánh tan 3.500 quân Nhật?

Ông Hong không phải là nhà sử học duy nhất phản bác câu chuyện chính thức về “5 chiến sĩ anh hùng Lang Nha Sơn”.

Jiang Keshi, một giáo sư người Trung Quốc ở Đại học Okayama (Nhật) đã nghiên cứu lịch sử Nhật hiện đại và nhận xét câu chuyện chính thức của Trung Quốc có nhiều điều sai lớn. Ông cho biết dựa theo những gì ông phát hiện được ở Nhật thì không hề có lính Nhật nào tử trận khi chiến đấu chống lại 5 chiến sĩ anh hùng ở Lang Nha Sơn: “Có hàng chục binh lính tham gia nhưng không ai chết mà chỉ bị thương”.

Câu chuyện chính thức của Trung Quốc (đăng năm 1941 trên báo của đảng Cộng sản Trung Quốc) khẳng định có nhiều lính Nhật bị tiêu diệt.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm ngày quân phiệt Nhật đầu hàng, một bài báo trên Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) đã kể 5 chiến sĩ anh hùng Lang Nha Sơn đã bắn chết và làm bị thương ít nhất 90 binh lính Nhật.

Giáo sư Jiang Keshi nói: “Trung Quốc cố bảo vệ tài liệu lịch sử của họ mà không thèm nghiên cứu chúng. Tự do học thuật ở Trung Quốc có nghĩa bạn không thể can thiệp vào lợi ích tuyên truyền...”.

Theo báo Wall Street Journal, giới truyền thông và một số học giả mô tả những người như ông Hong theo “chủ nghĩa hoài nghi từ ảnh hưởng phương Tây”.

Hồi tháng 7, chính quyền đã kỷ luật nhóm biên tập tạp chí lịch sử nơi ông Hong từng làm việc. Hàng chục tài khoản mạng xã hội có chuyên đề sử Trung Quốc bị khóa với lý do các trang này “chuyển tải tràn lan thông tin không lành mạnh”.

Hai nhà văn khác cũng bị kiện như ông Hong. Một người bị kiện vì lên mạng nói đùa về một người lính Trung Quốc chết trong chiến tranh Triều Tiên. Người còn lại “thắc mắc” câu chuyện hồi những năm 1930, có 1 chỉ huy quân sự cùng 700 nông dân vùng Mãn Châu đã đánh tan đạo quân Nhật đông tới 3.500 quân.

Nghi ngờ chiến công là "bác bỏ lịch sử”

Theo báo New York Times, hồi tháng 7, một nguyên đơn trong vụ kiện của ông Hong nhận xét các bài báo của nhà sử học Hong là “chủ nghĩa bác bỏ lịch sử”, chống đối các anh hùng và lịch sử của đảng.

Cùng tháng đó, trong một bài bình luận, tạp chí Cầu thị mô tả nỗ lực thắc mắc về câu chuyện chính thức “5 anh hùng Lang Nha Sơn" là một âm mưu thất bại. Bài bình luận viết: "Những vũ khí này không thể ngăn chặn Trung Quốc vươn lên, các thế lực thù địch trong nước và nước ngoài đều chọn “chủ nghĩa bác bỏ lịch sử” như một chiến thuật đánh dần”.

Còn theo báo Wall Street Journal, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang siết chặt không gian tranh luận chính trị. Nhiều học giả cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung chú ý lịch sử vì ông Tập yêu lịch sử. Cũng có người nói sức tăng trưởng kinh tế đang chậm lại nên buộc đảng phải tìm cách bảo vệ uy tín.

Trong vài phát biểu do Nhân dân Nhật báo đăng hồi tháng 4.2016, ông Tập từng trích dẫn thơ hồi thế kỷ 19 để cảnh báo rằng các thế lực thù địch âm mưu lợi dụng quá khứ để công kích đảng: “Để tiêu diệt một vương quốc, trước tiên phải xóa bỏ quá khứ của nó”. Ông Tập còn nói Liên Xô sụp đổ chính là một phần hậu quả của “chủ nghĩa bác bỏ lịch sử”.

Trung Trực (tổng hợp)

Bài liên quan
Cuộc chiến 'công nghệ xa xỉ' ở Trung Quốc khi ô tô điện ngày càng thông minh và rẻ
Cuộc chiến giành sự chú ý của người tiêu dùng trên thị trường ô tô điện của Trung Quốc đang diễn ra gay gắt với những "công nghệ xa xỉ" mà người mua ô tô ở nước khác chưa từng thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc: Cựu tổng biên tập bị xử thua kiện vì "phỉ báng lịch sử"