Việc Trung Quốc điều máy bay ném bom, đưa tên lửa đến Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là để nhằm hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”.

Trung Quốc đang leo thang chiến thuật gặm nhấm Biển Đông

23/05/2018, 11:23

Việc Trung Quốc điều máy bay ném bom, đưa tên lửa đến Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là để nhằm hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - Ảnh: VNE

Gần đây, Trung Quốc cho máy bay ném bom diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Phản ứng trước các động thái đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên và rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam...

VnExpress có cuộc trao đổi với thiếu tướng, GS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng về nội dung trên.

- Ông đánh giá thế nào về các động thái điều trang thiết bị quân sự của Trung Quốc đến Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay?

- Những hoạt động đó nằm trong mục tiêu lâu dài “Giấc mộng Trung Hoa”, trở thành cường quốc thế giới nói chung và cường quốc quân sự hàng đầu thế giới nói riêng.

Trước mắt, những hành động này của Trung Quốc nằm trong chiến lược Hướng Nam, thực hiện sáng kiến “Vành đai - Con đường”, nhằm kiểm soát cả khu vực, quản lý thực tế Biển Đông.

Chúng ta biết sau Đại hội 19 của đảng cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư, Chủ tịch nước này đã tập trung và nắm quyền lực toàn diện trong tay. Bên cạnh đó, tình hình bán đảo Triều Tiên đang chuyển động, đây là lúc quan tâm của Mỹ ở Đông Bắc Á lớn hơn ở Đông Nam Á (trong đó có Biển Đông).

Kết quả khả quan cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn cũng làm Trung Quốc yên tâm, rảnh tay hoạt động ở Biển Đông hơn. Hành động này của Trung Quốc diễn ra trong lúc giải pháp Biển Đông của các thành viên ASEAN thời gian qua có lúc thiếu đồng thuận.

Như vậy là có nhiều lý do để Trung Quốc tiến hành các động thái trên vào thời điểm này.

- Dưới góc độ chuyên gia chiến lược quốc phòng, ông lo ngại điều gì từ các động thái đó?

- Từ lâu, Trung Quốc đã có mưu toan làm chủ Biển Đông. Hành động những ngày qua của Trung Quốc là áp đặt chủ quyền thực tế trên vùng Biển Đông; tăng cường thực lực kiểm soát vùng trời, vùng biển khu vực. Đây cũng được xem là sự chuẩn bị cho những cạnh tranh mới phức tạp, gay gắt, quyết liệt hơn với các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Việc tăng cường quân sự ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng là cách Trung Quốc giành lợi thế với cạnh tranh Trung - Mỹ trong vấn đề Biển Đông; tăng sức nặng quốc gia trong cuộc chiến thương mại với Mỹ; đồng thời, từng bước thực hiện mục tiêu lâu dài, đối trọng với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Trung Quốc cũng xem đây là cách đáp lại các hành động của một số quốc gia trong vùng.

Những hành động này thể hiện bước tiến mới về chiến thuật “gặm nhấm” của Trung Quốc, tùy theo tình hình khu vực, thế giới từng thời điểm mà leo thang. Tuy nhiên, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không dừng lại ở những hành động như hiện nay, mà còn những hành động tiếp theo trắng trợn, mạnh mẽ hơn.

Không thể mất cảnh giác

- Một số chuyên gia quốc tế bình luận, việc triển khai tên lửa hay oanh tạc cơ chiến lược đến Biển Đông đã làm dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc thiết lập ADIZ. Ông nghĩ thế nào về nguy cơ này?

- Các hành động của Trung Quốc phần nào nói lên mưu toan của nước này. Hồi tháng 3.2013, Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở phần lớn biển Hoa Ðông, bao trùm cả quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư.

Mỹ lúc bấy giờ cho máy bay ném bom chiến lược bay qua vùng ADIZ để thử phản ứng của Trung Quốc. Các nước khu vực về cơ bản đều phản đối và Trung Quốc chưa có biện pháp quản lý hiệu quả ADIZ.

Tôi chưa cho rằng Trung Quốc sẽ lập ngay ADIZ ở Biển Đông vào thời điểm này, nhưng về lâu dài, không thể mất cảnh giác. Nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông sẽ có rất nhiều nguy cơ. Họ sẽ áp đặt các hãng hàng không bay qua khu vực này phải xin phép bay để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Từ đó, Trung Quốc dùng làm cớ trong đàm phán sau này là đã có nước phải xin phép họ, tức là Trung Quốc đã có “chủ quyền” ở đây. Nói cách khác, nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông là áp đặt các nước công nhận chủ quyền Trung Quốc ở đây.

Tình hình khu vực sẽ căng thẳng hơn khi trước đây Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông. Tôi cho rằng sẽ diễn ra các phản ứng ngoại giao, pháp lý rất phức tạp, vì vai trò chiến lược của Biển Đông, sự ổn định của vùng biển, vùng trời khu vực này là một phần không thể tách rời đối với lợi ích quốc gia của không ít nước trong khu vực cũng như trên thế giới, trong đó có nhiều cường quốc. Các nước từng tuyên bố và ủng hộ “tự do, an toàn hàng không, hàng hải” ở khu vực này chắc chắn không chịu ngồi yên.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông, chắc chắn sẽ châm ngòi cho xung đột ngoại giao giữa các nước, các bên liên quan, làm dấy lên câu hỏi về tính pháp lý của các ADIZ được thiết lập tại những khu vực tranh chấp chồng lấn lên vùng thông báo bay (FIR) của các quốc gia khác. Việc này cũng làm chậm lại, thậm chí làm hỏng tiến trình đàm phán Trung Quốc - ASEAN về Quy tắc ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (COC) mà Trung Quốc đang nuôi tham vọng sẽ sớm đạt được theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói các động thái trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về sự ảnh hưởng của các động thái đó?

- Các động thái đó là hết sức nguy hiểm, không chỉ vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà còn đe dọa an toàn của tất cả chuyến bay trong khu vực. Ngay cả khi không thiết lập ADIZ, Trung Quốc vẫn sẽ đưa máy bay chiến đấu, các hệ thống liên lạc quân sự, radar cảnh báo sớm tới đây. Những trang thiết bị này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường thực hiện quyền làm chủ khu vực.

Bên cạnh việc hoàn tất một loạt cảng biển, nhà kho, nhà ở trên các đảo nhân tạo, những trạm radar cảnh báo sớm cũng như trạm thông tin liên lạc quân sự, bố trí thiết bị phá sóng, Trung Quốc sẽ làm cho tình hình khu vực căng thẳng hơn.

Đường băng ở đá nhân tạo đã cho phép máy bay ném bom của Trung Quốc hạ, cất cánh nên Trung Quốc sẵn sàng sử dụng sân bay ở các đảo nhân tạo vì mục đích quân sự. Đây là điềm báo trước về những gì phức tạp có thể xảy ra ở quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc có thể sẽ bố trí hệ thống tên lửa phòng không, vũ khí chống ngầm, thậm chí máy bay tiêm kích tại các đảo, đá nhân tạo; lắp đặt thiết bị trinh sát cảnh báo sớm, bao gồm radar quản lý bay, radar cảnh giới trên không, radar cảnh giới trên biển, hệ thống trinh sát tia hồng ngoại, trinh sát điện tử và nghe lén, sonar dưới đáy biển. Tiếp đến, Trung Quốc lắp đặt hệ thống thông tin, bao gồm trạm thu tín hiệu vệ tinh mặt đất, đài siêu cao tần, thiết bị thông tin vô tuyến cao tần cùng cáp quang dưới đáy biển.

Ngày 20.1.2016, Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi từng tuyên bố với Chỉ huy tác chiến hải quân Mỹ Richardson rằng Trung Quốc tuyệt đối không theo đuổi quân sự hóa các đảo, đá, nhưng cũng tuyệt đối không thể không bố trí phòng ngự.

Tăng tốc quá trình hiện thực hóa làm chủ, độc chiếm Biển Đông, các hành động vừa qua của Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược rất lớn, cho phép Trung Quốc hiện diện ngay ở trung tâm vùng biển khu vực Đông Nam Á, cắt giảm đáng kể thời gian đi lại giữa quần đảo Trường Sa của Việt Nam và Trung Quốc lục địa.

Tình hình trên làm cho các nước khu vực, các nước có lợi ích liên quan rất quan ngại “Trung Quốc có thể sẽ đủ khả năng kiểm soát Biển Đông và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề tự do đi lại trên biển, trên không và lưu thông thương mại”...

Việt Nam phải chuẩn bị mọi mặt

- Vậy theo thiếu tướng, cả trước mắt và lâu dài, Việt Nam cần có những hành động và đối sách như thế nào?

- Theo tôi, chúng ta cần tiếp tục kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tăng cường hợp tác với các bên, các nước lớn và ASEAN; đẩy mạnh biện pháp ngoại giao tin cậy về chính trị; thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực; đồng thời đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Việt Nam cũng phải phối hợp với các nước liên quan tại những cuộc gặp song phương cũng như tại diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực để tiếp tục phê phán hoạt động kiểu như vừa rồi của Trung Quốc.

Một đối sách quan trọng khác là tiếp tục đầu tư cho chương trình Biển Đông - hải đảo; tăng cường khả năng phòng thủ biển đảo; tiếp tục thực hiện dân sự hóa, đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên khu vực quần đảo Trường Sa; nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Việt Nam cũng phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của các hành động trên của Trung Quốc; đồng thời tranh thủ các nước ASEAN, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, tạo đồng thuận ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ biển, đảo.

Chúng ta phải chuẩn bị mọi mặt cho đất nước, kể cả tình huống xấu nhất; không để bị động; đặc biệt là đầu tư nguồn lực quốc phòng và nhiệm vụ tác chiến bảo vệ Tổ quốc.

Theo Hoàng Thùy/VNE

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
40 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đang leo thang chiến thuật gặm nhấm Biển Đông