Tăng cường phòng thủ dọc biên giới 1.500km với CHDCND Triều Tiên, là một cách quân đội Trung Quốc ngán vạ lây Mỹ khi đánh phủ đầu Triều Tiên, đồng thời đề phòng một cuộc khủng hoảng lớn ở vùng biên giới Trung-Triều.

Trung Quốc lo ngại bị vạ lây khi Mỹ đánh phủ đầu Triều Tiên

25/07/2017, 13:56

Tăng cường phòng thủ dọc biên giới 1.500km với CHDCND Triều Tiên, là một cách quân đội Trung Quốc ngán vạ lây Mỹ khi đánh phủ đầu Triều Tiên, đồng thời đề phòng một cuộc khủng hoảng lớn ở vùng biên giới Trung-Triều.

Lính biên phòng Triều Tiên trên sông Yalu-Ảnh: Getty Images

Báo The Wall Street Journal (WSJ) đã xem các trang web chính phủ và quân đội Trung Quốc, phỏng vấn các chuyên gia, và ghi nhận Bắc Kinh trong vài tháng qua đã tái bố trí hệ thống phòng thủ.

Sự tăng cường phòng thủ của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trùng với những cảnh báo liên tục của Tổng thống Mỹ Donald Trump: ông đang cân nhắc khả năng hành động quân sự để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời ép Trung Quốc phải tích cực kiềm chế Triều Tiên.

Bắc Kinh vạch ‘làn ranh đỏ’ với Mỹ

Lâu nay, Trung Quốc lo ngại kinh tế Triều Tiên sụp đổ sẽ gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn với người dân Triều Tiên tràn vào lãnh thổ Trung Quốc, khiến quân Mỹ áp sát biên giới và lập nên một Hàn Quốc thống nhất, dân chủ và thân Mỹ.

Nhưng từ tháng 1.2017, Trung Quốc càng sợ Mỹ can thiệp quân sự, do Bình Nhưỡng phóng thử nhiều tên lửa, gần đây nhất là một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể phóng tới bang Alaska của Mỹ.

Cựu trung tướng PLA Vương Hải Vận, nói: “Đã cạn thời gian. Chúng tôi không thể để lửa chiến tranh lan sang Trung Quốc”.

Tướng Vương từng là tùy viên quân sự của Sứ quán Trung Quốc ở Nga, hiện là cố vấn cấp cao của Nhóm nghiên cứu chiến lược quốc tế (ở Bắc Kinh). Hồi tháng 5, ông có một bài viết thẳng thắn đến bất thường:

“Trung Quốc nên vạch một “làn ranh đỏ” với Mỹ: nếu Mỹ tấn công Triều Tiên mà không có sự đồng ý của Bắc Kinh, thì Bắc Kinh sẽ phải can thiệp quân sự.

Trung Quốc cũng yêu cầu bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ cũng không được làm lây nhiễm phóng xạ, Mỹ không chiếm đóng các vùng thuộc khu giới tuyến giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, không lập chế độ thù địch Trung Quốc ở Triều Tiên.

Nếu chiến tranh bùng nổ, Trung Quốc không nên ngại ngần chiếm phía bắc Triều Tiên, kiểm soát các vị trí có vũ khí hạt nhân Triều Tiên, bảo đảm an toàn ở khu giới tuyến để chặn dòng sơ tán và binh lính buông súng chạy vào miền đông bắc Trung Quốc”.

Tướng Vương nói với WSJ: ông không nói thay cho chính phủ. Nhưng bài báo của ông không bị gỡ xuống, điều cho thấy có lẽ Bắc Kinh chấp thuận.

Về mặt kỹ thuật, dù là đồng minh Bắc Kinh không nhất thiết sẽ bảo vệ Bình Nhưỡng, nhưng Trung Quốc quyết chặn dòng dân Triều Tiên sơ tán vào vùng đông bắc Trung Quốc là để bảo vệ dân ở vùng này.

Xem ra Bắc Kinh cũng quyết tăng khả năng thâu tóm các vị trí hạt nhân của Triều Tiên, chiếm một vùng đất phía bắc, nếu quân Mỹ-Hàn áp sáp biên giới Trung Quốc.

Điều này buộc Trung Quốc phải có một đạo quân đông để kiểm soát biên giới, với quân đặc nhiệm và lính nhảy dù qua Triều Tiên trước, để giành quyền kiểm soát các vị trí có vũ khí hạt nhân, tiếp đó là bộ binh hành quân có không quân yểm hộ sẽ thọc sâu vào Triều Tiên.

Nhà buôn Trung Quốc cho thuê ống nhòm để du khách nhìn qua Triều Tiên bên kia sông biên giới Yalu

Đề phòng cả nguy cơ bị lây nhiễm phóng xạ từ Triều Tiên bay qua

Trong vài tuần qua, vài chi tiết PLA tăng cường phòng thủ cũng xuất hiện trên các trang web của chính phủ và quân đội Trung Quốc:

+ Lập một lữ đoàn biên phòng mới, có nhiệm vụ tuần tra toàn bộ vùng biên từ tháng 6 để thu thập tin tình báo, lên kế hoạch chi tiết đóng cửa biên giới nếu xảy ra khủng hoảng, theo Quân đội nhân dân nhật báo.

+ Máy bay không người lái quay video 24 giờ để giám sát vùng biên giới đồi núi và xử lý các vấn đề “bằng cách tiếp cận thông tin, nhanh chóng và linh động kiểm soát và chỉ huy”, vẫn theo báo trên.

Quân đội Trung Quốc còn sáp nhập, hiện đại hóa các đơn vị khác ở những vùng biên giới đông bắc, công bố chi tiết những vụ tập trận phối hợp của lính nhảy dù, quân đặc nhiệm và các đơn vị khác tại các vùng này.

Các chuyên gia nói đấy là những đơn vị có thể được đưa qua Triều Tiên để can thiệp, nếu xảy ra khủng hoảng.

Hồi tháng 6 diễn ra một cuộc tập trận bắn đạn thật, có sự tham gia của trực thăng tấn công, xe tăng và pháo binh để “chống quân xanh”.

Qua tháng 7, một đơn vị bộ binh từ đông Trung Quốc chuyển đến vùng biên giới, được trang bị vũ khí mới.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Cát Lâm (giáp Triều Tiên) củng cố và mở rộng hệ thống hầm trú ẩn và bộ chỉ huy để chống xây lô cốt nhằm chống các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học hoặc ném bom.

Trên trang web của bộ phận phòng không dân sự tỉnh có ghi: “các cơ sở này cần để phản ứng trước tình hình an ninh phức tạp quanh tỉnh”, kèm ảnh và tính năng của chiến đấu cơ Mỹ.

Hồi tháng 5, chính quyền Cát Lâm công bố điều họ gọi là “trung tâm dữ liệu phòng chống đại thảm họa”, tại một cơ sở địa đạo được thiết kế để bảo vệ dữ liệu chính phủ và quân đội khỏi một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân.

Chính quyền tỉnh Cát Lâm từ chối bình luận với WSJ, lấy lý do vấn đề nhạy cảm.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời trực tiếp, khi tờ báo Mỹ hỏi về những thay đổi gần đây có liên quan Triều Tiên hay không.

Trong một văn bản, Bộ chỉ nói “PLA luôn duy trì tinh thần rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu” ở vùng biên giới. Bộ cũng phủ nhận thông tin hàng ngàn quân được lệnh đến các vùng biên giới.

Ngày 24.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Biện pháp quân sự không nên là một lựa chọn để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên”.

Dù vậy, theo các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc nghiên cứu về kế hoạch của Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc vẫn phải đề phòng tình trạng khẩn cấp ở Triều Tiên, gồm nguy cơ sụp đổ kinh tế, lây nhiễm phóng xạ hoặc xung đột quân sự.

Mỹ-Trung sẽ đánh nhau ở bán đảo Triều Tiên?

Trong trường hợp chiến tranh bùng nổ, sẽ là lần đầu tiên quân lính Mỹ-Trung đánh nhau ở bán đảo Triều Tiên, từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một hiệp định ngưng bắn.

Vài chuyên gia nói những thay đổi gần đây về cơ cấu lực lượng, khí tài và huấn luyện đều liên quan chương trình cải tổ quân đội từ năm ngoái, nhằm bỏ hẳn cơ cấu chỉ huy kiểu Liên Xô, và để chuẩn bị khả năng chiến đấu xa khỏi bờ cõi Trung Quốc.

Nhưng ở vùng đông bắc Trung Quốc, những thay đổi này chủ yếu để xử lý nguy cơ khủng hoảng ở Triều Tiên, theo các chuyên gia.

Mark Cozad, cựu quan chức tình báo quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á, nay làm cho tổ chức nghiên cứu quốc phòng RAND Corp, nói:

Sự chuẩn bị đối phó tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc “không chỉ là lập một vùng đệm ở miền bắc và an ninh niên giới”.

Ông nói thêm Trung Quốc sẽ có phản ứng mạnh, một khi các thế lực bên ngoài, nhất là Mỹ và Hàn Quốc tung ra các nỗ lực ổn định Triều Tiên, tịch thu vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng.

Cozad cũng sẵn sàng đặt cược rằng nếu Mỹ-Trung đánh nhau, thì cuộc chiến tranh này sẽ diễn ra ở bán đảo Triều Tiên chứ không phải ở Đài Loan, Biển Đông hoặc biển Hoa Đông.

Như nhiều chính phủ khác,Trung Quốc vẫn nghĩ khó có chuyện Mỹ tấn công quân sự, chủ yếu vì nguy cơ Bình Nhưỡng đánh trả đũa Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ mà thủ đô Seoul nằm trong tầm pháo của Bình Nhưỡng.

Dĩ nhiên Lầu Năm Góc không để lộ kế hoạch của Mỹ. Các quan chức cấp cao nói họ chỉ chú trọng gây sức ép ngoại giao và kinh tế, và xem hành động quân sự là giải pháp cuối cùng.

Vài chuyên gia nói: cuộc cải tổ quân đội của Trung Quốc chưa hoàn tất, PLA chưa sẵn sàng cho một chiến dịch ở Triều Tiên.

Dennis Blasko, cựu tùy viên quân sự Mỹ ở Bắc Kinh nói: “Tôi không nghĩ PLA sốt sắng với khả năng nhận nhiệm vụ lớn ở Triều Tiên trong tương lai gần”.

Nhưng như Mỹ, Trung Quốc cũng bị giật mình vì chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng phát triển quá nhanh, theo các nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết.

Bắc Kinh cũng ngán những hành vi của Bình Nhưỡng nay gây hại cho an ninh quốc gia, từ lúc Mỹ dàn hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc hồi tháng 4. Trung Quốc nói THAAD có thể theo dõi tên lửa hạt nhân của mình.

Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vị thế của một đất nước được thể hiện qua trình độ khoa học công nghệ!
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
"Vị thế của một đất nước được thể hiện thông qua trình độ KH&CN. Việt Nam từ một nước khó khăn đã vươn lên khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc lo ngại bị vạ lây khi Mỹ đánh phủ đầu Triều Tiên