Báo New York Times (NYT) ngày 19.7 đề cập việc Trung Quốc lôi kéo Myanmar để thủ lợi riêng, lại được tiếng giúp Myanmar bằng cách làm trung gian đàm phán hòa bình giữa chính phủ Myanmar với các nhóm quân nổi dậy.

Trung Quốc lôi kéo Myanmar để thủ lợi riêng

20/07/2017, 19:21

Báo New York Times (NYT) ngày 19.7 đề cập việc Trung Quốc lôi kéo Myanmar để thủ lợi riêng, lại được tiếng giúp Myanmar bằng cách làm trung gian đàm phán hòa bình giữa chính phủ Myanmar với các nhóm quân nổi dậy.

Quân đội Nhà nước Wa thống nhất sử dụng vũ khí Trung Quốc-Getty Images

Nay Trung Quốc có thể thực hiện những tính toán tại Myanmar, vào lúc chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ hết những nỗ lực làm thân với Myanmar trong 6 năm qua của vị tiền nhiệm Obama. Khoảng trống Mỹ để lại khiến sự trở lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc càng dễ hơn.

Bà Aung San Suu Kyi đang trông nhờ Trung Quốc giúp có hòa bình...

Vào lúc quan hệ Myanmar-Trung Quốc lạnh lẽo, ông Barack Obama đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Myanmar, năm 2012. Hai năm sau ông trở lại, quảng bá quan hệ an ninh và thương mại mạnh hơn.

Nhưng Mỹ lại không nỗ lực xây dựng quan hệ mới, nên nay gió lại đổi chiều: khi chính quyền Trump ít quan tâm, Trung Quốc đang mở rộng quyền lợi kinh tế và chiến lược, dùng tiền đầy túi để xây dựng cơ sở hạ tầng hàng tỉ USD và kích hoạt quan hệ với các nhóm nổi dậy ở Myanmar. Mỹ cạnh tranh không lại với những hoạt động này của Bắc Kinh.

Min Zin, chủ nhiệm Viện chiến lược-chính sách Myanmar, nói: “Trung Quốc muốn thể hiện rằng họ làm hết sức với những yêu cầu của chúng tôi. Khi Mỹ rút lui, bà Aung San Suu Kyi càng trông nhờ Trung Quốc nhiều hơn ở vũ đài quốc tế và ở Myanmar”.

Sau khi ông Obama đạt nhiều thắng lợi ở Myanmar, có tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hỏi: “Ai thua ở Myanmar?”. Và nay Bắc Kinh mở nhiều hướng để kéo Myanmar trở lại quỹ đạo của Trung Quốc.

Xem ra bà Aung San Suu Kyi đón nhận. Sau khi trở thành lãnh đạo đứng sau hậu trường hồi năm ngoái, bà đã thăm Bắc Kinh hai lần. Ngược lại, dù là Ngoại trưởng Myanmar, bà không dự một hội nghị các Ngoại trưởng Đông Nam Á do Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mời.

Việc Bắc Kinh nỗ lực giành thiện cảm của Myanmar là rõ ràng, ở việc Trung Quốc làm trung gian đem lại hòa bình cho cuộc nội chiến sắc tộc ở Myanmar, một nhiệm vụ mà lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi xem là trọng tâm.

Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2016, bà Aung San Suu Kyi nói: “Tôi tin một láng giềng tốt như Trung Quốc sẽ làm hết sức có thể để quảng bá tiến trình hòa bình của chúng tôi. Nếu quý vị hỏi tôi mục tiêu quan trong nhất cho quê hương của tôi là gì, thì đó là kiến tạo hòa bình và thống nhất tất cả những sắc tộc”.

Trung Quốc ở đúng vị thế để giúp bà Aung San Suu Kyi. Trong số các nhóm vũ trang không muốn đàm phán hòa bình có Quân đội nhà nước Wa thống nhất và Quân đội Kokang. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc ủng hộ ngầm 2 nhóm chống chế độ quân sự Myanmar.

Tại khu tự trị, Quân đội Wa (khoảng 20.000 tay súng) xài đồng Nhân dân tệ, trong khi họ sản xuất ma túy và buôn lậu qua Trung Quốc.

NYT còn dẫn lời các chuyên gia nói: hai xí nghiệp vũ khí của Wa có sự giúp đỡ của các cựu sĩ quan Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, và Quân đội Wa nhận xe chiến đấu bọc thép cùng súng chống tăng từ các ‘cò’ vũ khí Trung Quốc.

Quân đội Arakan thì dùng vũ khí và phương tiện do Wa cung cấp.

Nhưng phải có lợi thì Trung Quốc mới giúp

Hồi tháng 5, khi bà Aung San Suu Kyi muốn tổ chức một hội nghị hòa bình với các nhóm quân nổi dậy, một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc là Đặc sứ các vấn đề châu Á Sun Guoxiang liền vào cuộc.

Ông tập hợp thủ lĩnh của 3 lực lượng nổi dậy kể trên cùng thủ lĩnh của 4 nhóm nổi dậy khác (đa số đều dùng vũ khí Trung Quốc), báo họ biết cuộc họp bàn chuyện hòa bình rồi thuê máy bay chở họ đến thủ đô Myanmar. Ở đó, sau khi nhóm thủ lĩnh được giới thiệu với bà Aung San Suu Kyi, họ cùng ăn tối và hát karaoke suốt đêm.

Xem ra bà Aung San Suu Kyi có ấn tượng với quyền lực của Bắc Kinh để giúp Myanmar có hòa bình. Cha bà, ông Aung San từng là lãnh đạo Myanmar sau Thế chiến 2. Ông từng mơ một quốc gia thống nhất và gần đạt được một thỏa thuận với các thủ lĩnh sắc tộc hồi năm 1947 về một quốc gia liên bang. 6 tháng sau, ông bị ám sát.

Bà Aung San Suu Kyi muốn hoàn tất công việc dang dở của cha bà. Khi phát biểu khai mạc hội nghị hòa bình, bà nói: “Mục đích của chúng tôi là sự nổi lên một quốc gia liên bang dân chủ”.

Hiện bà đang có Trung Quốc ủng hộ. Một thỏa thuận ngưng bắn vẫn chưa thể có, nhưng động thái trên minh họa rõ Myanmar nay phải nhờ Trung Quốc giúp giải quyết các vấn đề trong nước.

Vậy là đúng ý Bắc Kinh vốn muốn Myanmar có hòa bình để bảo vệ những khoản đầu tư năng lượng mới của Trung Quốc, có ưu thế để ép phe nổi dậy và đã mở đường để Myanmar có thể có hòa bình.

Maung Aung Myoe, một chuyên gia về quân sự Myanmar ở Đại học quốc tế Nhật bản, nói: “Trung Quốc muốn Myanmar yên tĩnh. Nếu cứ đánh nhau thì gây rối cho thương mại của Trung Quốc, ảnh hưởng tới quyền lợi của Trung Quốc. Nay nước này làm chủ tiến trình hòa bình. Quân đội Myanmar biết điều này”.

Trung Quốc đặc biệt quan tâm việc ép mạnh Quân đội Arakhan ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Lực lượng này hoạt động ở bang Rakhine (phía tây Myanmar) và họ có thể phá hỏng đường ống dầu-khí đốt mà Trung Quốc xây từ Vịnh Bengal về miền Nam Trung Quốc.

Giữ cho bang Rakkhine không bất ổn cũng có thể là lý do Trung Quốc cản LHQ ra một tuyên bố cáo buộc những hoạt động đàn áp của quân đội Myanmar ở vùng này.

Tham vọng xây căn cứ hải quân trên Ấn Độ Dương

Hiện Tập đoàn xây dựng nhà nước Citic của Trung Quốc đang thương lượng, để được phép xây một cảng nước sâu trị giá 7,3 tỉ USD ở đặc khu kinh tế Kyaukpyu tại Rakhine.

Citic dự kiến xây cảng từ đầu năm tới, sau khi họ trúng hợp đồng nhờ chịu gánh 85 % chi phí xây dựng. Citic cũng trúng hợp đồng xây một công viên công nghệ gần đó, trị giá 3,2 tỉ USD.

Cảng nước sâu sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương, nằm trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu “Một vành đai một con đường” trị giá 1 ngàn tỉ USD mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

Trung Quốc muốn xây cảng nước sâu ở khu đánh cá Kyaukpyu để có căn cứ hải quân ở Ấn Độ Dương

Mỹ thường giao các công trình xây dựng và những khoản đầu tư khác cho các công ty tư nhân. Nhưng kinh tế vùng biên Myanmar có nhiều nguy hiểm nên bị Mỹ xem là một điểm đến không hấp dẫn.

Nữ giáo sư Mary Callahan ở Đại học Washington nói: các công ty Mỹ không đến vì giá đất cao, cùng tiến trình cho phép rất khó. Nguồn lao động rẻ nhưng không có tay nghề cao”.

Mỹ mất cơ hội thì Trung Quốc được. Citic có quyền điều hành cảng nước sâu 50 năm và có thể gia hạn thêm 25 năm, cho Bắc Kinh có thể lập kế hoạch dài hạn để chiếm ưu thế ở Ấn Độ Dương.

Nhà phân tích quân sự Maung Aung Myoe nói: “Một khi xây xong, Kyaukpyu sẽ là một căn cứ hải quân Trung Quốc, khi nước này rất cần hướng vào phía đông Ấn Độ Dương. Họ đang cây các cảng ở vùng biển này tại Pakistan và Sri Lanka, đồng thời muốn được cho phép xây một cảng ở Bangladesh”.

Tuy nhiên, Trung Quốc còn vấp vài trở ngại. Người dân Kyaukpyu nghèo nhất Myanmar, chả được hưởng nhiều từ việc xây ống dẫn dầu khí Trung Quốc từ 10 năm qua. Người dân nói các trường học do Trung Quốc xây để “thể hiện quyết tâm có trách nhiệm với cộng đồng” đều bị bỏ hoang.

Vì thế, họ rất ghét Trung Quốc. Citic biết, nên đang đào tạo nhân công Myanmar để có 3.000 chỗ làm ở cảng và công viên công nghiệp.

Trung Quốc cũng bị một số chính khách Myanmar nghi ngờ, gồm những người phản đối kế hoạch xây đập thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy. Đây là công trình mà Trung Quốc trả tiền nhằm tải điện về Trung Quốc.

Chính phủ Myanmar đã lập một ủy ban để quyết định số phận của đập này. Ông Mi Khun Chan, một thành viên trong đảng của bà Aungam Suu Kyi, nói Trung Quốc xem chuyện giúp tiến trình hòa bình là một cái giá, để Trung Quốc được bật đèn xanh xây đập.

+ Theo NYT, Trung Quốc đang đem các nước khu vực Đông Nam Á vào quỹ đạo, lôi kéo bạn bè và đồng minh của Mỹ bằng việc bán phần cứng quân sự, các thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng cùng sự chú ý ngoại giao.

+ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày càng nghiêng về Bắc Kinh, trong khi Thái Lan mua tàu ngầm Trung Quốc và theo yêu cầu của Bắc Kinh, Thái Lan trục xuất người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng này bị Trung Quốc cáo buộc gây bạo lực tại Trung Quốc.

+ Tại Malaysia, Trung Quốc mời chào những dự án béo bở như đường sắt cao tốc với Thủ tướng Najib Razak.

+ Theo NYT, Myanmar và Trung Quốc có điểm chung là cứng rắn với người Hồi giáo. Vài tháng trước tại LHQ, Trung Quốc bác một tuyên bố có sự ủng hộ của Mỹ, để lên án việc cộng đồng Hồi giáo thiểu số Robinghya ở Myanmar bị ngược đãi.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc lôi kéo Myanmar để thủ lợi riêng