Một đoạn video cho thấy Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên, theo báo Nikkei Asian Review ngày 21.8 cho biết.

Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên

23/08/2017, 11:59

Một đoạn video cho thấy Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên, theo báo Nikkei Asian Review ngày 21.8 cho biết.

Ông Kim Jong-un thích thú sau vụ phóng một quả ICBM-Ảnh KCNA

Bài viết mang tựa Video tên lửa là mũi dao chĩa vào cổ ông Tập Cận Bình, nêu trong khi thế giới xôn xao chuyện Triều Tiên dọa phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung xuống vùng biển đảo Guam (thuộc lãnh thổ Mỹ), không thể tin được chuyện này:

Toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên

Trong một cuộc họp, tuyên bố của một quan chức CHDCND Triều Tiên đã đến tai Trung Quốc: “Tên lửa đạn đạo mới của chúng ta có thể bắn bất kỳ nơi nào ở Trung Quốc”.

Ngày 21.5, ông Kim Jong-un chứng kiến vụ phóng quả tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 từ bãi phóng Pukchang thuộc tỉnh Nam Pyongan.

Tên lửa này được trang bị một máy ghi hình nhỏ, và hôm sau, Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên công bố đoạn video được ghi hình lúc tên lửa đang bay.

Điều kỳ lạ là lúc tên lửa hướng đến phía đông tới biển Nhật Bản, đoạn phim lại chú trọng ghi hình lãnh thổ Trung Quốc ở phía tây trong một thời gian dài, theo các nhà phân tích quân sự nhận định.

Một chuyên gia về Triều Tiên nói: “Đoạn phim cũng cho thấy rõ thủ đô Bắc Kinh nếu không có mây dày”.

Nguồn tin này còn nói: “Dù có mây, thông điệp đã rõ: Kim Jong-un đang đe dọa Tập Cận Bình. Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-12 và 14 được thiết kế để đánh nước Mỹ, nhưng tên lửa tầm trung Pukguksong-2 có những tầm bắn gồm Bắc Kinh.

Ông Kim Jong-un đã ra lệnh sản xuất hàng loạt tên lửa tầm trung này. Và có thể Triều Tiên sẽ cực kỳ khó khăn trong việc tấn công chính xác một mục tiêu ở Mỹ, việc tấn công chính xác vào thủ đô Trung Quốc hoặc thành phố Thượng Hải lại dễ.

Một nguồn tin khác nói với Nikkei Asian Review: ông Kim Jong-un đang xét khả năng sở hữu một loại vũ khí hạt nhân (VKHN) để Triều Tiên không trở thành một xứ bán thuộc địa của Trung Quốc.

Dù bị trừng phạt, Triều Tiên dựa mạnh vào Trung Quốc để có xăng dầu và những loại hàng hóa khác. Sản phẩm Trung Quốc tràn thị trường triều Tiên.

Nguồn tin nói: “Với VKHN, cùng nhiều loại tên lửa đạn đạo, Triều Tiên có thể nói chuyện ngang hàng với Trung Quốc, dù họ không thể cạnh tranh về kinh tế”.

Hơn nữa, nếu lập được quan hệ ngoại giao với Mỹ, Bình Nhưỡng có thể hoàn toàn độc lập khỏi Trung Quốc.

Ông Kim Jong-un xem xét kế hoạch tấn công đảo Guam

Bi kịch cháu giết chú dượng phản quốc

Vẫn theo Nikkei Asian Review, quan hệ Trung-Triều một thời được ca ngợi là “tình hữu nghị được đong bằng máu”, nay xuống cấp cùng cực, có thể đến mức không thể cứu chữa.

Quan hệ Trung-Triều không còn tin tưởng lẫn nhau bắt đầu từ việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xử tử chú dượng Jang Song-thaek hồi cuối năm 2013.

Bi kịch cháu giết chú dượng này bắt đầu ngày 17.8.2012, khi ông Jang Song-thaek đến Bắc Kinh và gặp lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Theo 3 nguồn tin, ông Jang Song-thaek trình âm mưu lật đổ ông Kim Jong-un, đưa người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong-nam lên kế nhiệm, với sự ủng hộ của Bắc Kinh.

Vài ngày trước đó, trong cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc ở khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân công bố một vụ tai tiếng liên quan cánh tay phải của ông Hồ Cẩm Đào là Lệnh Thiếu Hoa:

Con trai của Lệnh cùng một thiếu nữ gần như khỏa thân chết thảm, vì Lệnh ‘cậu ấm’ lái xe thể thao Ferrari tốc độ cao, húc vào một bờ tường ở Đường Vành đai số 4 phía bắc Bắc Kinh.

Ông Hồ Cẩm Đào tránh trả lời đề xuất của Jang Song-thaek, nói cần trao đổi với các lãnh đạo Trung Quốc.

Lúc đó, ông Giang Trạch Dân có một trợ lý thân cận là cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang

Chu Vĩnh Khang từng lập nhiều đầu mối quan hệ ở Triều Tiên thời ông Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un và của Kim Jong-nam.

Ông Kim Jong-il qua đời năm 2011, trước đó đã phế bỏ Kim Jong-nam và chọn Kim Jong-un kế nhiệm, và Chu Vĩnh Khang vẫn tiếp tục liên lạc với vị lãnh đạo trẻ.

Theo Nikkei Asian Review, nhờ nghe lén, Chu Vĩnh Khang biết âm mưu của Jang Song-thaek, bí mật báo cho ông Kim Jong-un biết.

Người đưa tin là Mã Kiến, một cán bộ cấp cao Bộ Công an Trung Quốc và sau này bị buộc tội tham nhũng, trong chiến dịch đả hổ đập ruồi của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sau khi biết chuyện chú dượng âm mưu lật đổ mình, ông Kim Jong-un nổi giận và đến cuối năm 2013, Jang Song-thaek bị xử tử.

Ngày 13.2.2017, người anh cùng cha khác mẹ là Kim Jong-nam bị ám sát bằng chất độc thần kinh ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia).

Cùng thời gian Jang Song-thaek bị xử tử, Chu Vĩnh Khang bị theo dõi rồi bị bắt. Nhưng chính quyền Trung Quốc đợi đến hè 2014 mới công bố việc bắt Chu Vĩnh Khang.

Theo Nikkei Asian Review, đấy là cách để thể hiện ra bên ngoài là hai vụ xử tử Jang Song thaek - bắt Chu Vĩnh Khang không liên quan với nhau.

Rồi Trung Quốc khép tội Chu Vĩnh Khang tham nhũng, lạm quyền và “cố tình tiết lộ bí mật nhà nước”. Chu bị tuyên án tù chung thân.

Chuyện lãnh đạo Trung Quốc bàn chuyện dẹp bỏ mình, cùng việc đồng minh bị thanh trừng, khiến ông Kim Jong-un ngày càng không tin tưởng Bắc Kinh.

Chú dượng Jang Song-thaek trước khi bị xử tử

Ông Tập Cận Bình thất vọng về Kim Jong-un cùng cực…

Đầu tháng 8.2014, Trung Quốc bỏ phiếu thuận, ủng hộ nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ trừng phạt Triều Tiên, sau khi Triều Tiên thử hai quả tên lửa ICBM trong tháng 7.

Bắc Kinh cũng tổ chức tập trận bắn đạn thật, nhằm phô trương lực lượng với cả Mỹ lẫn Triều Tiên.

Việc Trung Quốc thất vọng Triều Tiên được tiết lộ trong một bài xã luận ngày 11.8 của Hoàn cầu thời báo, phụ trang của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc:

“Trung Quốc cũng nên làm rõ là nếu Triều Tiên phóng tên lửa trước vào nước Mỹ và Mỹ trả đũa, Trung Quốc sẽ giữ thế trung lập. Nếu Mỹ-Hàn tấn công và toan lật đổ chế độ Triều Tiên, thay đổi chính sách về bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ ngăn họ thực hiện”.

… Nhưng Trung Quốc sẽ can thiệp quân sự

Về mặt chính thức, Trung Quốc vẫn là đồng minh của Triều Tiên. Dù quan hệ song phương xuống cấp, Thỏa thuận Trung-Triều hữu nghị-hợp tác-tương trợ lẫn nhau (ký năm 1961) vẫn được duy trì.

Tinh thần thỏa thuận này là Trung Quốc cam kết giúp Triều Tiên “bằng mọi cách cần thiết”, nếu như Triều Tiên bị Mỹ tấn công.

Tuyên bố Trung Quốc sẽ đứng thế trung lập-do Hoàn cầu thời báo đăng-cho thế giới biết sẽ không có chuyện Trung Quốc giữ lời cam kết nữa.

Sự thất vọng của ông Tập Cận Bình đe dọa tương lai của thỏa thuận an ninh Trung-Triều.

Nhưng bài xã luận của Hoàn cầu thời báo không loại trừ khả năng can thiệp quân sự, nêu rõ Trung Quốc sẽ kiên quyết ngăn chặn một cuộc nổi dậy ở bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc từng can thiệp vào Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) cho quân lính cùng Triều Tiên đánh quân Mỹ-Hàn Quốc, khiến 180.000 lính Trung Quốc tử trận.

Ngày nay, nếu lính Mỹ đến đất Triều Tiên, quân Trung Quốc có thể sẽ trở lại, để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc, cũng để chặn dòng dân Triều Tiên sơ tán tràn qua biên giới Trung Quốc, và tránh một cuộc đối đầu với Mỹ.

Một nguồn tin an ninh Trung Quốc cho Nikkei Asian Review biết: “Trung Quốc chọn giải pháp cử quân tiến qua biên giới khoảng 100km và lập một vùng trung lập”.

Trong khi đó, dù dọa Triều Tiên rằng “trút lửa thịnh nộ, đạn đã lên nòng, Tổng thống Mỹ Donald Trump không dễ đánh Triều Tiên, vì nó sẽ có nhiều hậu quả kinh hoàng.

Vì thế, ván cờ nguy hiểm mà Mỹ-Trung-Triều đang chơi sẽ không bao giờ có dấu hiệu kết thúc.

Vĩnh Thụy (theo Nikkei Asian Review)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
11 giờ trước Sự kiện
Ngày 14.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký các quyết định kỷ luật Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên