Với nguồn cung đang có phần bị siết chặt, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại sẽ thúc đẩy giá dầu khí nói riêng và nguyên liệu thô toàn cầu nói chung đi lên, gây áp lực lên giá của nhiều hàng hóa.

Trung Quốc mở cửa, giá dầu sẽ tăng, thêm áp lực với giá hàng hóa

Lam Thanh | 01/01/2023, 14:00

Với nguồn cung đang có phần bị siết chặt, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại sẽ thúc đẩy giá dầu khí nói riêng và nguyên liệu thô toàn cầu nói chung đi lên, gây áp lực lên giá của nhiều hàng hóa.

Việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại và sớm chấm dứt chính sách Zero-COVID sẽ gây ra các tác động trái chiều lên nền kinh tế.

Nối lại chuỗi cung ứng

Theo số liệu thống kê, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm vừa qua đạt 56 tỉ USD, tăng 35% so với thời điểm trước COVID-19 và chiếm 16,7% tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2022.

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), về tổng thể, do việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, việc mở cửa hoàn toàn trở lại sẽ không có nhiều tác động lớn lên hoạt động xuất khẩu mà chỉ tác động cục bộ lên một vài nhóm ngành.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của các mặt hàng xuất khẩu như sợi cotton (72%), đá, xi măng (49%), cao su (39%), hoa quả (38%) và gỗ (31%). Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô, nguyên vật liệu và hàng hóa công nghiệp.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thủy sản và lương thực như gạo, ngô, sắn - vốn chịu tác động tiêu cực từ giãn cách xã hội - cũng sẽ gia tăng để đáp ứng như cầu người dân và sản xuất thức ăn chăn nuôi, khi sản lượng mặt hàng này tại Trung Quốc sụt giảm trong niên vụ 2022-2023.

Đối với nhóm lương thực, hiện giá các mặt hàng này (dù đã hạ nhiệt) vẫn neo ở mức cao, và nguồn cung được dự báo dù giảm nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu thụ. Do đó, việc tác động đến Việt Nam là không đáng kể.

tq.jpg
Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm vừa qua đạt 56 tỉ USD

Đối với nhóm thủy sản, dù kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc gia tăng, tuy nhiên, hiện hàng tồn kho các nhà máy đang tăng, sản lượng thu hoạch cao và giá cá nguyên liệu đang trong xu hướng giảm. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa cũng khó tạo ra đột biến cho cá tra Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 138 tỉ USD (chiếm 41,7% tổng giá trị nhập khẩu), trong đó, các mặt hàng phải nhập khẩu chủ yếu bao gồm sợi và vải nguyên liệu (78%), thiết bị cơ khí (61%), thiết bị y tế, quang học (60%),…

“Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng được nối lại sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc phục vụ hoạt động sản xuất với chi phí thấp hơn, đặc biệt là nhóm ngành dệt may”, KBSV nêu.

Cũng theo báo cáo, nhóm xi măng cũng là nhóm được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi do ngành xi măng Việt Nam xuất khẩu phần lớn sang Trung Quốc trong khi ngành đang trong tình trạng dư cung tại Việt Nam.

“Việc sản lượng sản xuất xi măng ở Trung Quốc thấp sẽ là yếu tố giúp xuất khẩu xi măng từ Việt Nam sang Trung Quốc khả quan hơn, với nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 3% trong năm 2023”, báo cáo nêu.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ tác động tích cực lên lĩnh vực du lịch, ngành hàng không khi mà lượng khách Trung Quốc sẽ quay trở lại Việt Nam sau gần 3 năm bị hạn chế bởi COVID. Đây sẽ là động lực quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023 trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ yếu.

Giá dầu tăng gây áp lực lạm phát

Việc Trung Quốc mở cửa cũng được cho là sẽ thúc đẩy giá dầu tăng. Nhu cầu tiêu thụ dầu bình quân tại Trung Quốc trong năm giai đoạn 2019-2021 dao động quanh ngưỡng 13,3 triệu thùng/ngày. Việc áp đặt các biện pháp phong tỏa tại các thành phố lớn khiến cho tổng lượng dầu tiêu thụ tại Trung Quốc sụt giảm mạnh. Điều này là lý do khiến cho các quốc gia OPEC+ tiếp tục giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng của mình trong bối cảnh thế giới đứng trước rủi ro suy thoái.

Với nguồn cung đang có phần bị siết chặt, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại sẽ thúc đẩy giá dầu khí nói riêng và nguyên liệu thô toàn cầu nói chung đi lên và gây áp lực lên giá của nhiều hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ khác và khiến cho lạm phát toàn cầu bật tăng trở lại, đặc biệt tại Mỹ.

dau.jpg
Trung Quốc mở cửa, giá dầu dự báo sẽ tăng

Theo ước tính của Bloomberg, nếu Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, giá năng lượng đứng trước nguy cơ tăng thêm 20% và theo đó, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ có thể tăng trở lại mức 5,7%. Trong kịch bản này, FED có thể duy trì mức lãi suất cao hơn với thời gian dài hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Tuy nhiên, trong thời gian qua Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga, Saudi Arabia khi mà các nước phương Tây triển khai các biện pháp trừng phạt. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp phần nhu cầu tăng thêm từ việc mở cửa trở lại, nhất là khi Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu năng lượng quốc doanh của nước này ngừng việc bán lại khí hóa lỏng cho khách hàng nước ngoài.

Về tổng thể, tác động tích cực của Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại lên kinh tế Việt Nam (thông qua hoạt động thương mại, du lịch) có phần nhiều hơn tác động tiêu cực (liên quan đến rủi ro lạm phát). Do tác động của việc Trung Quốc mở cửa đến giá dầu (cũng như các nguyên liệu cơ bản khác) còn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, vốn được dự báo suy yếu khi kinh tế các nước phát triển đối mặt rủi ro suy thoái, cũng như chính sách sản lượng của OPEC và diễn biến xung quanh vấn đề Nga – Ukraine.

Bài liên quan
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc mở cửa, giá dầu sẽ tăng, thêm áp lực với giá hàng hóa