Sáng 31.5, tại hội nghị an ninh châu Á Đối thoại Shangri-La (Singapore) TQ ngang ngược bảo vệ quyền xây đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông, khi một chỉ huy hải quân Trung Quốc nói các đảo mới xây “sẽ có lợi cho toàn khu vực”, và nhấn mạnh các hoạt động này “hoàn toàn thuộc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ TQ”.
Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA) lưu ý tính ích lợi quân sự của các đảo này khi TQ ngang ngược bảo vệ quyền xây đảo nhân tạo, rằng chúng sẽ cho phép TQ cung cấp dịch vụ công quốc tế, gồm tìm kiếm-cứu hộ hàng hải, cứu hộ thiên tai và nghiên cứu khoa học.
Ông nói với giọng điệu không đối đầu: “Chẳng có lý do gì để người ta đề cập vấn đề này trên Biển Đông. Các đảo mới không nhằm tấn công nước nào khác, hoặc tác động quyền tự do hàng hải”.
Ông nói : “Tình hình Biển Đông ổn định và hòa bình” và thêm rằng việc xây đảo nhằm cải thiện chức năng của các đảo này, cùng điều kiện sống và làm việc của người trú đóng tại đó.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gay gắt lên án TQ ngoan cố tiến hành chương trình xây đảo nhân tạo, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng.
Ông Carter còn nói quân đội Mỹ sẽ thực hiện bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, sẽ phớt lờ bất kỳ lệnh nào của TQ buộc các phương tiện quân sự phải rút khỏi các khu vực gần các đảo nhân tạo.
Theo báo The Wall Street Journal, lời chỉ trích TQ của ông Carter vẫn còn nhẹ, so với sự chua chat gay gắt ở Đối thoại Shangri-La 2014.
Ông Tôn tự hạn chế khi chỉ trích các nước khác “đã có những tuyên bố vô trách nhiệm dựa trên những quy chiếu chủ quan của một nước khác”, và ông “khuyên” các nước láng giềng nhỏ hơn “ngưng cướp đoạt an ninh khu vực để tư lợi”.
Ôn còn nói TQ có thể lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông: “Việc này sẽ tùy thuộc an ninh hàng hải của chúng tôi sẽ bị đe dọa hay không”.
Nhưng ông không trả lời những câu hỏi về những hành động ngang ngược của TQ, khiến các nhà quan sát thất vọng, nói ông Tôn để hỏng cơ hội giải thích các “ý tốt” của TQ.
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nói:
“Đấy không phải một cuộc hùng biện của một thế lực đang nổi như họ muốn thể hiện tại khu vực này. Vẫn còn nhiều quan ngại về các hoạt động của TQ. TQ cần bắt đầu giải trình, dấn thân với khu cực, nhưng họ không làm thế. Họ sẽ bị chỉ trích nặng nề về chuyện này”.
Bảo Vĩnh (theo The Wall Street Journal)