Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa nếu Mỹ áp dụng thuế quan mới đối với thêm 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: "Chúng tôi không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng chúng tôi không sợ giao tranh." Chỉ có điều, Bắc Kinh có quá ít lựa chọn để đánh trả Mỹ.

Trung Quốc nói không sợ đánh trả Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã 'hết đạn'

03/08/2019, 09:29

Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa nếu Mỹ áp dụng thuế quan mới đối với thêm 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: "Chúng tôi không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng chúng tôi không sợ giao tranh." Chỉ có điều, Bắc Kinh có quá ít lựa chọn để đánh trả Mỹ.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang - Ảnh: Internet

Những ngày qua, cả Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc đều tuyên bố Bắc Kinh sẽ có biện pháp đối phó cần thiết nếu chính quyền Trump tiến hành đe dọa leo thang tranh chấp thương mại bằng cách áp thuế 10% mới vào ngày 1.9 với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc (không nằm trong 250 tỉ USD đã bị áp 25% thuế trước đó).

Bà Hoa Xuân Oánh – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua 2.8 tuyên bố: “Trung Quốc tin rằng không có người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại. Chúng tôi không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng chúng tôi không sợ giao tranh. Trung Quốc cực lực không chấp nhận bất kỳ áp lực, đe dọa hay tống tiền (nguyên văn là blackmail). Về các vấn đề chính liên quan đến các nguyên tắc của chúng tôi, chúng tôi sẽ không lùi lại dù chỉ một chút. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ nắm bắt tình hình, từ bỏ mọi ảo tưởng, sửa chữa sai lầm của mình và trở lại đúng hướng giải quyết khác biệt thông qua tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Trong khi đó, khi trả lời việc Mỹ gây áp lực kinh tế lên Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong hôm 1.8 nói rằng các cuộc tham vấn song phương phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Ông bày tỏ hy vọng rằng phía Mỹ sẽ nỗ lực tích cực, thể hiện sự chân thành và thiện chí và tạo ra một bầu không khí tốt cho các cuộc tham vấn. “Hai bên có lợi ích chung hơn nhiều so với tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế và thương mại”, ông Cao nhấn mạnh đồng thời thêm rằng việc theo đuổi lợi ích chung là bản chất của hợp tác kinh tế và thương mại song phương.

Có thể thấy cả 2 bộ của Trung Quốc đều không nêu những gì Bắc Kinh có thể làm để đáp lại khi Mỹ ra đòn.

Các nhà phân tích cho rằng việc trả đũa có thể bao gồm việc hủy hợp đồng mua máy bay của Công ty Boeing. Ngoài ra, công ty chuyển phát FedEx Corp đang bị chính quyền Trung Quốc điều tra sau những cáo buộc chuyển nhầm bưu kiện của Huawei. Các hình thức trả đũa khác của Trung Quốc có thể bao gồm kiểm tra các doanh nghiệp Mỹ nghiêm ngặt hơn, thường xuyên hơn, cộng với xử lý chậm trễ trong việc cấp giấy phép cần thiết để kinh doanh tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phải tiến hành một cách thận trọng trong việc trả đũa, để tránh gây hoang mang cho giới đầu tư nước ngoài và gây tổn hại cho nền kinh tế của nước này, trong bối cảnh đang trên đà suy thoái.

Lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc trong tuần này cho biết các nhà chức trách sẽ tăng cường hỗ trợ để duy trì tăng trưởng ổn định. Họ đặc biệt kêu gọi một nền kinh tế ổn định trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước CHND Trung Hoa vào ngày 1.10. Nhiều nhà kinh tế tin rằng chính phủ Bắc Kinh có động lực mạnh để làm điều đó trong ngắn hạn và đương nhiên không muốn thị trường bị xáo trộn trong thời gian quan trọng này.

Trong tầm nhìn xa hơn, các công ty nước ngoài đã đầu tư trực tiếp hàng trăm tỉ USD vào đại lục trong những năm gần đây và các công ty đa quốc gia của Mỹ đã sử dụng hơn hai triệu nhân công bản địa Trung Quốc, theo ước tính của Citigroup. Liu Li-Gang, một nhà kinh tế lĩnh vực tài chính ngân hàng cho biết một số lượng rất lớn hay đúng hơn là hầu hết các công việc đó đều được trả lương cao. “Tôi không tin họ sẽ nhắm ra đòn vào các công ty đó một cách bừa bãi”, Liu nói.

Ông Liu và những người khác nói rằng những lo ngại về tình trạng thất nghiệp và các công ty chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc sẽ khiến sự trả đũa của Bắc Kinh trở nên rụt rè hơn.

Nói chuyện với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm qua 2.8, ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia, cho biết: “Tôi không muốn suy đoán về những gì phía bên kia có thể hoặc không thể làm”. Kudlow vẫn để ngỏ khả năng thuế quan mới có thể bị gác lại. “Chính Tổng thống hôm qua cũng cho biết các phản ứng thuế quan trong tương lai và các vấn đề liên quan phụ thuộc vào tiến trình của thỏa thuận thương mại Trung Quốc”.

Theo thông báo về mức thuế mới mà Tổng thống Trump đưa ra hôm thứ năm, nếu chúng có hiệu lực, gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị áp thuế trừng phạt. Trước đó, trong vụ tranh chấp kéo dài gần 18 tháng, Bắc Kinh ban đầu tuyên bố sẽ trả đũa và đã làm như vậy khi chính quyền Trump áp thuế lên 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ ít hơn nhiều so với xuất khẩu, khiến Bắc Kinh không thể đáp trả leo thang thuế quan tương xứng thêm nữa. Lúc này, Bắc Kinh đã áp thuế quan đối với 110 tỉ USD các sản phẩm của Mỹ, để đáp trả việc ông Trump đánh 250 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc hồi tháng 5. Hiện chỉ còn lại khoảng 10 tỉ USD hàng hóa của Mỹ để Trung Quốc có thể áp thuế nhập khẩu, quá ít so với con số 300 tỉ USD sản phẩm của Trung Quốc bị ông Trump dọa áp thuế 10%.

Trong những tuần gần đây, cả chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc đã phải tất bật tìm cách đảm bảo các công ty nước ngoài rằng họ được chào đón. Vào tháng 7, Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa đã dành hơn 2 giờ để lắng nghe ý kiến của các giám đốc điều hành đến từ các công ty Mỹ bao gồm Cargill Inc., General Electric Co., Harley-Davidson Inc. và Microsoft Corp, cùng với các công ty châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Hồ Xuân Hoa đã ghi chép lại cẩn thận khi nghe các CEO nước ngoài thay phiên nhau chia sẻ những lo ngại của họ, trong đó có thể xuất phát từ tranh chấp thương mại kéo dài đến lo lắng về việc luật đầu tư mới sẽ được thi hành như thế nào. Nguồn tin cho biết ông Hồ Xuân Hoa và các quan chức cấp cao khác có mặt trong buổi gặp kín hứa hẹn Trung Quốc sẽ tạo một môi trường kinh doanh tự do hơn và kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhiều hơn.

Thái độ của ông Hồ Xuân Hoa cho thấy Trung Quốc đang lo sợ trước việc chảy máu đầu tư như thế nào. Không đủ đạn đấu với Mỹ trong chiến tranh thương mại mà lại sợ chảy máu đầu tư thì liệu Trung Quốc có sẵn sàng bước vào cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc nói không sợ đánh trả Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã 'hết đạn'