Trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 29.7, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh được dịp quảng bá về sức lan toả của ngoại giao Trung Quốc với phương Tây. Đó là câu chuyện liên quan đến tình hình nhân quyền tại Tân Cương.

Từ bỏ Hội đồng nhân quyền, Mỹ mất kênh 'điểm huyệt' Bắc Kinh

30/07/2019, 17:24

Trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 29.7, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh được dịp quảng bá về sức lan toả của ngoại giao Trung Quốc với phương Tây. Đó là câu chuyện liên quan đến tình hình nhân quyền tại Tân Cương.

Tân Cương là vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc

Chuyện bắt nguồn từ việc cuối tuần trước có hơn chục nước gia nhập thêm hàng ngũ các nước lên tiếng ủng hộ cách Trung Quốc giải quyết vấn đề tại Tân Cương. Đại sứ các nước này cùng ký tên gửi lên Chủ tịch Hội đồng nhân quyền thế giới và Cao uỷ nhân quyền để ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Trước đó, hôm 12.7 đã có 37 nước hành động tương tự trong việc ủng hộ Bắc Kinh.

37 nước ban đầu ký tên trong lá thư ủng hộ Trung Quốc gồm Algeria, Angola, Bahrain, Belarus, Bolivia, Burkina Faso, Burundi, Campuchia, Cameroon, Comoros, Congo, Cuba, CHDC Congo, Ai Cập, Eritrea, Gabon, Kuwait, Lào, Myanmar, Nigeria, CHDCND Triều Tiên, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Nga, Ả Rập Saudi, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria, Tajikistan, Togo, Turkmenistan, United Arab Emirates, Venezuela và Zimbabwe.

Nội dung thư ủng hộ Trung Quốc đã khen ngợi những gì họ mô tả là "thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực nhân quyền của Trung Quốc", theo Reuters. "Đối mặt với thách thức nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp chống khủng bố và phi cực đoan hóa ở Tân Cương, bao gồm thành lập các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề", lá thư có đoạn.

Lá thư còn cho biết an ninh đã trở lại Tân Cương và các quyền cơ bản của con người thuộc mọi dân tộc đã được bảo vệ. Nội dung thư nói thêm rằng đã không có cuộc tấn công khủng bố ở đó trong 3 năm và mọi người được hưởng một cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn và an toàn cao hơn. Và trong 13 nước mới gia nhập danh sách ủng hộ Trung Quốc có thêm Iran, Iraq, Palestine…

Danh sách 50 nước này giống như lời đáp trả lá thư liên danh 22 nước trước đó chỉ trích vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. 22 quốc gia này gồm Nhật, Canada, Úc, New Zealand và 18 nước châu Âu là Áo, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ, Anh. Trong một lá thư gửi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 8.7, nhóm 22 quốc gia đòi hỏi Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp và nghĩa vụ của họ với quốc tế và ngăn chặn việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ cũng như người thuộc cộng đồng Hồi giáo, dân tộc thiểu số khác và tạo điều kiện tự do tôn giáo. Về sau có thêm 2 nước nữa gia nhập vào nhóm phản đối Trung Quốc về chuyện Tân Cương nên bà Hoa Xuân Oánh tính là 24. Bà Hoa nói:

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả 24 quốc gia chỉ trích chính sách Tân Cương của Trung Quốc đều là các nước phát triển phương Tây. Tổng dân số của họ không quá 600 triệu, và không ai trong số họ là quốc gia Hồi giáo hoặc các nước đang phát triển. Mặt khác, hơn 50 quốc gia hỗ trợ Trung Quốc nằm trên các châu lục bao gồm châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Âu. Tổng dân số của họ là gần 2 tỉ. 28 trong số họ là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Tổng dân số của nhóm (ủng hộ Trung Quốc) nhiều hơn gấp đôi so với 24 quốc gia (chỉ trích). Trong bối cảnh này, bên nào đại diện cho sự thật, công lý và lẽ phải về các vấn đề liên quan đến Tân Cương đã quá rõ ràng”.

Có thể thấy thái độ vui sướng của Bắc Kinh khi nhìn lên bảng tỷ số cách biệt 50-24 trong “trận đấu vấn đề Tân Cương”. Ở một góc độ nào đó, Trung Quốc đang ăn mừng như thể họ có chiến thắng lớn trên mặt trận ngoại giao khi vận động được số nước ủng hộ đông gần gấp đôi so với nước phản đối. Cách nói của bà Hoa còn tỏ ý Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nước đang phát triển để chống lại cái nhìn từ các nước phát triển.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc có thể kiếm phiếu được nhiều như thế trong khi 24 nước phương Tây lại không kiếm thêm được lá phiếu nào ngoài khu vực? Thậm chí các nước trung bình ở châu Âu như Hungary, Romania, Hy Lạp… cũng không đứng chung quan điểm với các đầu tàu EU dù họ cũng không ủng hộ Trung Quốc. Vấn đề là nhóm các nước phản đối Trung Quốc thiếu một đầu tàu, chúng ta đang nhắc cái tên quan trọng: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Hồi năm 2016, Mỹ đã từng dẫn đầu các nước chỉ trích cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc và đưa ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền. Thời điểm đó, chẳng mấy quốc gia dám đứng ra ký tên phản đối lại lời chỉ trích của Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Nhưng năm ngoái Mỹ đã rút khỏi Hội đồng này nên trong 22 nước ký tên trong lá thư trên, không có chữ ký từ Mỹ. Chính vì vậy trong danh sách 50 nước lần này ký tên ủng hộ Trung Quốc có không ít đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các quốc gia Vùng Vịnh như Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain, Qatar rồi mới đây là Iraq. Các nước này không có chút lăn tăn nào khi lên tiếng ủng hộ Trung Quốc vì họ biết Mỹ chẳng thể trách họ một khi chính Washington không cầm đầu chiến dịch chỉ trích Bắc Kinh.

Việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hội đồng nhân quyền hồi năm ngoái là một quyết định quá sai lầm. Ông Trump theo đuổi chính sách Nước Mỹ trên hết nên đã rời bỏ Hội đồng do Mỹ khởi xướng trước đây (vì ông Trump cho rằng các ràng buộc của tổ chức này không có lợi cho Mỹ). Nhưng việc rời Hội đồng nhân quyền đã khiến Mỹ mất một kênh ngoại giao quan trọng để "điểm huyệt" Bắc Kinh khi cần thiết. Lấy ví dụ của ngày hôm nay, khi không có Mỹ, sức "điểm huyệt" của phương Tây trong Hội đồng nhân quyền quá yếu và bị Trung Quốc hoá giải, phản đòn dễ dàng. Thậm chí, nó còn giúp Trung Quốc có dịp quảng bá thành tích, khoe khoang sức mạnh ngoại giao.

Chuyện ở Hội đồng nhân quyền thì Mỹ không thể sửa sai được vào lúc này. Nhưng cơ hội cho Mỹ thể hiện vai trò vẫn còn khi thế giới nhìn vào cách hành xử của Washington trước những chiêu trò của Trung Quốc tại Biển Đông. Nếu lần này mà Mỹ tiếp tục hời hợt để Trung Quốc có dịp nhạo báng thế giới thì niềm tin của các nước dành cho Mỹ sẽ chẳng còn mấy ký lô nữa. Hãy chờ xem chuyến đi của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Thái Lan tới đây, Mỹ sẽ dùng chính sách ngoại giao nào để ổn định trật tự ở Thái Bình Dương, đưa Trung Quốc vào khuôn khổ luật chơi và cho thế giới thấy Mỹ vẫn là siêu cường số 1.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ bỏ Hội đồng nhân quyền, Mỹ mất kênh 'điểm huyệt' Bắc Kinh