Tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 của Trung Quốc đã được phóng thành công từ đảo Hải Nam, bắt đầu hành trình 7 tháng tới hành tinh đỏ.
>> UAE phóng thành công tàu vũ trụ thăm dò sao Hỏa
>> Trung Quốc tiết lộ nhiệm vụ của thăm dò sao Hỏa
Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc cho biết, tàu Thiên Vấn-1 cất cánh trên lưng tên lửa đẩy Trường Chinh 5 từ căn cứ phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, vào 12 giờ 41 ngày 23.7.
Tàu quỹ đạo bay quanh hành tinh sẽ kết nối với thiết bị tự hành, đồng thời thực hiện quan sát khoa học riêng trong 1 năm sao Hỏa (687 ngày Trái đất). Hoạt động ở quỹ đạo cực, tàu chịu trách nhiệm lập bản đồ hình thái và cấu trúc sao Hỏa; dùng hệ thống radar khám phá các yếu tố đất, băng, nước, môi trường; đo tầng điện ly, điện từ trường, lực hấp dẫn.
Đây là chuyến bay thứ hai tới sao Hỏa trong tuần này. Trước đó vào hôm 20.7, tàu thăm dò sao Hỏa mang tên Hope (Hy vọng) của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã được phóng từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở miền nam Nhật Bản trên đầu tên lửa đẩy H-IIA của Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi.
Nối tiếp UAE và Trung Quốc, Mỹ cũng dự kiến phóng Perseverance, robot thăm dò sao Hỏa phức tạp nhất của NASA, từ Cape Canaveral, Florida, vào tuần sau.
Hình dáng thiết bị tự hành thuộc tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 - Ảnh: CNSA
Thiên Vấn-1 dự kiến đến đích trong tháng 2 năm sau, cùng lúc với tàu thăm dò Perseverance và Hope. Nhưng tàu Trung Quốc dự kiến bay quanh quỹ đạo sao Hỏa 2-3 tháng trước khi hạ cánh. Trong khi đó, tàu thăm dò Perseverance của Mỹ dự kiến đến sao Hỏa vào ngày 18.2, tìm kiếm dấu hiệu sự sống và thu thập mẫu bề mặt đem về.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc nỗ lực chinh phục sao Hỏa. Nhiệm vụ sao Hỏa đầu tiên của quốc gia châu Á năm 2011 đã thất bại khi thiết bị thăm dò Huỳnh Hỏa-1 vận chuyển bởi tàu vũ trụ Phobos-Grunt (Nga) không thể ra khỏi quỹ đạo Trái đất, rồi sau đó rơi xuống Thái Bình Dương.
Long Hải (theo Space)