Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mục tiêu xóa sạch sự nghèo đói từ năm 2020, Trung Quốc đã có kế hoạch tái định cư dân thôn xã ở những vùng “kinh tế mới”.
Theo báo Observer (Anh), xóa sạch nạn cực nghèo tại đất nước đông dân nhất thế giới từ năm 2020 là một quyết tâm chính trị của Bắc Kinh, và là một trong những cam kết phấn đấu đạt được, sau khi ông Tập có được nhiệm kỳ 5 năm thứ hai ở vị thế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).
Người về thành thị, người tới vùng “kinh tế mới” hẻo lánh
Kế hoạch là đưa hàng triệu người dân nghèo tái định cư ở những ngôi nhà mới do chính phủ chi tiền xây. Một số dân sẽ được chuyển đến những ngôi nhà mới ở thành thị, trong khi một số khác đến các vùng nông thôn hẻo lánh.
Bắc Kinh còn áp dụng các chiến thuật khác gồm cho vay, quảng bá du lịch và kết nối các gia đình nghèo với cán bộ địa phương cùng cảnh ngộ với họ.
Làn sóng tái định cư để xóa nghèo hiện đang diễn ra tại 22 tỉnh Trung Quốc, nhằm di dời khoảng 9,81 triệu dân từ năm 2016 đến năm 2020. Tuy nhiên, miền tây bị tụt hậu khá xa so với miền đông, chính là điểm chú ý của chính quyền trung ương.
Năm ngoái, Quí Châu - một trong những tỉnh nghèo nhất nước, tính di dời khoảng 750.000 dân ở 3.600 thôn xã. Hơn 1 triệu người cũng chuẩn bị đến các tỉnh Quảng Tây, Tứ Xuyên và Cam Túc.
Tỉnh Vân Nam cũng hy vọng di dời khoảng 677.000 dân đến 2.800 làng mới. Chính quyền tỉnh mô tả châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp là một trong 4 “trận tuyến xóa nghèo lớn”.
Tại châu này có thôn sơn cước Padangshang, với 143 người dân tộc Hà Nhì chuyên trồng trà, cà phê. Từ đầu tháng 11, họ đã rời thôn để đến những ngôi nhà màu hồng.
Bí thư thôn Liu Hengde, 30 tuổi, hể hả trong căn nhà vừa có ghế sofa hình chữ L và TV màn hình phẳng, nói: “Ở trên đồi khó lấy nước từ dưới chân đồi. Nay chúng tôi có nước sinh hoạt ngay trong nhà. Chính quyền đang giúp dân có cuộc sống tươi đẹp hơn”.
Dân làng mới rất thích ngôi nhà mới hai tầng của họ, và ủng hộ cuộc chiến chống nghèo của ông Tập. Ông Xiao Ercha, 57 tuổi, rất ưng căn nhà đúc bê tông mới, vì không có tiền để trang trí nội thất nên ông chưa dọn vào ở.
Người nông dân này ước tính thu nhập hàng năm của ông khoảng 1.935 Nhân dân tệ, và nói: “Tôi chưa bao giờ có ngôi nhà đẹp như thế này”. Ông từng và đang sống trong một mái lều ọp ẹp dựng cạnh chuồng heo, cách những tòa nhà chọc trời ở Bắc Kinh, Thượng Hải rất xa.
Xiao lắc đầu khi được đề nghị nêu tên của nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Ông nói: “Ông Tập là ai? Tôi nhận ra khuôn mặt ông ấy trên TV, nhưng tôi không biết ông ấy là ai”.
Nhà gạch hai tầng màu hồng cho di dân ở vùng kinh tế mới - Ảnh: Guardian
"Ông Tập thương dân nghèo vì từng sống cảnh nghèo"
Nông dân Li Ade, 30 tuổi, kể khi còn là một cậu bé, anh sống trong rừng, bị muỗi và đỉa cắn suốt. Giao thông tệ hại, không có điện nước, nhưng: “Ngày nay, dân Myanmar vẫn phải sống như thời Mao, trong khi cuộc sống của dân Trung Quốc đã được cải thiện".
Mục đích chính trị của chương trình tái định cư hiện rõ ở thôn Padangshang. Mỗi ngôi nhà mới đều dán ảnh ông Tập thăm các tộc người thiểu số ở tỉnh Vân Nam.
Thợ nề Xiao Ziluo, 50 tuổi, cho biết chính quyền tặng ảnh cho từng nhà. Nhà của ông có treo biểu ngữ “Xây dựng Trung Hoa mộng với cả trái tim”.
Giáo sư Mark Wang của đại học Melbourne (Úc) đã nghiên cứu việc tái định cư để chống nghèo của Bắc Kinh, nói ông Tập chú trọng vấn đề này, phần nào vì ông Tập cũng từng sống 7 năm ở nông thôn.
Theo Observer, ông Tập chào đời trong một gia đình “danh gia vọng tộc”, là con trai của nhà lãnh đạo cách mạng Tập Trọng Huân.
Nhưng thời Cách mạng văn hóa (từ năm 1966 - 1976) do Mao Trạch Đông khởi xướng, người cha bị thất sủng, ông Tập được đưa về thôn Lương Gia Hà (tỉnh Sơn Tây) và sống trong một cái hang, học dùng xẻng cho lợn ăn, diệt trùng và đọc các tác phẩm của Mao và Karl Marx.
Giáo sư Wang nói những năm gian khổ này đã tiếp tục định hình những quan tâm chính trị hàng đầu của ông Tập: “Từ đáy lòng, ông ấy hiểu rõ nông dân Trung Quốc muốn gì, thậm chí hiểu ngôn ngữ bẩn thỉu mà nông dân nói khi họ làm ruộng”.
Nhưng những tính toán chính trị cũng giải thích việc ông Tập cố gắng tạo hình ảnh “lãnh đạo vì người nghèo”. Nỗ lực này bị suy giảm gần đây, khi với lý do “vì mỹ quan đô thị” và giảm dân thủ đô, chính quyền Bắc Kinh đã buộc hàng chục ngàn dân lao động nhập cư rời khỏi thành phố này.
Giáo sư Wang nói: “Làm sao có thể bảo đảm 1 tỉ dân tin mình và nói Đây là vị lãnh đạo mạnh mẽ của chúng ta? Và đây là điều sẽ khiến người dân nói: Ồ, ít ra đã có ai đó muốn xử lý vấn nạn này ."
Nhà dân ở vùng kinh tế mới treo ảnh ông Tập Cập Bình thăm người nghèo - Ảnh: Guardian
Lời hứa xóa sạch cái nghèo “có giá trị hàng ngàn cân vàng”
Gần đây, Tân Hoa Xã viết ca ngợi ông Tập, nêu mục tiêu năm 2020 là “một bước chống nghèo đói chưa hề có trong lịch sử loài người”.
Và trong bài phát biểu mừng Năm mới 2018 hôm 31.12.2017, ông Tập “trịnh trọng cam kết đánh thắng trận chiến xóa nghèo”. Ông nói: “Một khi thực hiện, một lời hứa có giá trị nặng ngàn cân vàng”.
Các chuyên gia đã thắc mắc việc Bắc Kinh định nghĩa thế nào về nghèo (Ngân hàng thế giới định nghĩa nghèo là người sống một ngày với chưa tới 1,90 USD) và liệu thường xuyên chống nghèo có là một mục tiêu thực tiễn trong chỉ một thời gian ngắn?
Trung Quốc hy vọng đến năm 2020, sẽ giúp 30 triệu dân thoát khỏi mức nghèo (chỉ kiểm được khoảng 70 xu Anh/ngày).
Sức tăng trưởng kinh tế “đến ngạt thở” của Trung Quốc đã giúp hàng trăm triệu dân thoát nghèo từ những năm 1980, nhưng đến cuối năm 2015, vẫn còn ít nhất 5,7% dân nông thôn vẫn nghèo, theo một báo cáo mới đây của LHQ.
Số dân nghèo tăng lên mức 10% ở vài vùng phía tây Trung Quốc, và tăng lên 12% ở vài cộng đồng thiểu số.
Giáo sư Wang tỏ ý nghi ngờ Bắc Kinh sẽ có thể đánh bại cái nghèo trong chỉ 4 năm (từ 2016 đến 2020). Nhưng ông nói thêm: vì tầm vóc lãnh đạo của ông Tập quá lớn, việc ông xem chương trình chống nghèo là mục tiêu chính trị hàng đầu, cùng việc quy cho từng cán bộ CPC địa phương phải chịu trách nhiệm trước sự nghèo của dân, nên sẽ khiến những “đầy tớ nhân dân” vắt chân vắt sức lập thành tích thi đua.
Giáo sư Wang nói: “Mỗi ngày cán bộ địa phương sẽ phải nghĩ: Ối trời, 2020 sắp đến nơi! "
Chương trình tái định cư là chương hồi mới nhất trong truyền thống di dời dân kéo dài hàng chục năm qua ở Trung Quốc. Hàng triệu dân đã được vận động (hoặc được lệnh) rời bỏ nhà cửa, để chính phủ thực hiện những công trình xây dựng trọng điểm như Đập Tam Hợp (1,5 triệu dân phải dời nơi ở) và Kênh dẫn nước Nam - Bắc khiến ít nhất 345.000 dân phải di dời.
Chương trình tái định cư đã gây nhiều tranh cãi, với dân làng thường bị giải tỏa mà không được chính quyền giúp đỡ hoặc đền bù. Giáo sư Wang nói việc tái định cư liên quan cái nghèo dù không phải không phức tạp, nhưng nói chung là “rất thân thiện”, khi người dân phải di dời vẫn được phép bám nhà cũ, ruộng cũ trong một thời gian.
Ông nói: “Với các chương trình tái định cư khác, chính quyền cần đất để xây hồ trữ nước, khu công nghiệp hoặc khu đô thị, còn với chương trình tái định cư xóa nghèo, chính quyền không muốn gì cả”.
Vĩnh Thụy (theo Observer)