Việc lập một phòng thí nghiệm mô phỏng điều kiện sống trong không gian cho thấy Trung Quốc đang trên con đường để trở thành "siêu cường" không gian.
Theo Reuters, việc Trung Quốc mở phòng thí nghiệm mô phỏng sống trong không gian là một động thái loại bỏ sự độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu này những năm qua.
Trung Quốc đã mở phòng thí nghiệm gọi là Lunar Palace 365 và cho 4 sinh viên thuộc Đại học Bắc Kinh thử nghiệm cuộc sống cách ly hoàn toàn trong 200 ngày.
Những sinh viên tham gia thử nghiệm sẽ sống trong điều kiện giống như một tiền đồn có thể sẽ được Trung Quốc xây dựng trên sao Hỏa hoặc Mặt trăng.
Điều đó có nghĩa là phòng thí nghiệm sẽ duy trì sự sống bằng oxy do thực vật bên trong sản sinh, tái chế nước tiểu thành nước uống và tiết kiệm tối đa mọi thứ do nguồn cung có hạn ban đầu.
Theo Engadget, thách thức lớn nhất của thử nghiệm này cũng như những thử nghiệm trước đó là tâm lý của những người tham gia.
Những sinh viên tham gia vẫn sẽ có nhiều công việc để làm hàng ngày nhằm duy trì sự lạc quan, nhưng họ sẽ phải sống trong một không gian chật chội, hoàn toàn cắt đứt liên lạc với bạn bè và người thân trong gần 1 năm.
Ngoài ra, thử nghiệm này còn kiểm tra cách mà con người phản ứng với việc không được mặt trời chiếu trực tiếp vào người trong một thời gian dài. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần của họ.
Rõ ràng thử nghiệm sống sót ngoài hành tinh của Trung Quốc không phải là thử nghiệm dài nhất, nhưng nó cực kỳ quan trọng với ngành khoa học không gian nước này.
Trung Quốc đang quyết tâm theo đuổi, thậm chí vượt mặt Nga và Mỹ trong nghiên cứu không gian, điều này có nghĩa là họ phải chuẩn bị tâm lý để thực hiện các hành trình kéo dài bên ngoài vũ trụ.
Việc tạo ra một phòng thí nghiệm với điều kiện sống trong không gian cho thấy Trung Quốc sẵn sàng để khám phá Hệ Mặt trời, giống với những nỗ lực mà Mỹ và Nga đang theo đuổi. Cụ thể, sau khi đưa lên quỹ đạo trạm vũ trụ Thiên Cung 2 hồi năm 2016, Trung Quốc đã vạch ra một lộ trình là sẽ đưa tàu thám hiểm vùng tối Mặt trăng vào năm 2018 và phóng tàu thám hiểm lên sao Hỏa trước năm 2020.
Cơ quan vũ trụ của Trung Quốc còn có tham vọng rằng sẽ đưa người lên Mặt trăng trước năm 2036 và muốn nghiên cứu về nguyên tố đặc biệt Helium-3 được cho là có rất nhiều trên Mặt trăng.
Helium-3 là một nguồn nhiên liệu quý bởi đồng vị này là loại đồng vị hạt nhân cần thiết cho phản ứng tổng hợp nhiệt hạch, một loại phản ứng hạt nhân hầu như không gây độc hại phóng xạ vì không phát ra các neutron, đồng thời phát ra nguồn năng lượng rất lớn.
Nguồn năng lượng tạo ra từ Helium-3 lớn đến nỗi chỉ cần một tấn nguyên tố này thì đủ cung cấp điện cho 80% nhu cầu của Tokyo trong một năm. Ngoài Helium-3, Mặt trăng còn được cho là chứa rất nhiều kim loại quý khác như titan, niken, bạch kim...
Thiên Hà