Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) đã yêu cầu hàng chục giám đốc quản lý tài sản báo cáo lãnh đạo trước khi đi Trung Quốc trong vài ngày tới, sau khi một nữ cố vấn của giới nhà giàu Trung Quốc bị cấm bay từ Bắc Kinh về nhà của bà ở đảo quốc Singapore.
Bà giám đốc người Singapore đã cố gắng đăng ký chuyến bay ở sân bay quốc tế Bắc Kinh hôm 19.10, nhưng nhân viên hãng bay không đưa bà thẻ lên máy bay, chỉ đưa bà một số điện thoại để gọi, một người biết chuyện (đề nghị giấu tên vì những vấn đề pháp lý liên quan) cho báo New YorkTimesbiết.
Khi bà gọi vào số điện thoại, chính quyền một thành phố khác ở Trung Quốc muốn nói chuyện với bà. Người phụ nữ phải trở lại khách sạn ở Bắc Kinh để chờ bay. Người này không biết lý do chính quyền thành phố này muốn nói chuyện với bà.
Theo Times ngày 22.10, vụ tạm giữ nữ giám đốc quản lý tài sản của UBS là động thái mới nhất của chính phủ Trung Quốc, trong việc ngăn không cho công dân nước ngoài rời khỏi nước này khi họ liên quan đến các cuộc điều tra chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi”, vốn do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ khi ông trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC). Theo Times, chiến dịch này cũng nhằm củng cố sự trung thành của toàn thểđảng viên CPC dành cho ông Tập Cận Bình.
Chính quyền Trung Quốc cũng chặn xuất cảnhđối với người có người thân sống ở Mỹ. Đây là một cách phổ biến để gây sức ép với những đối tượng bị điều tra, để họ phải “tình nguyện” trở về Trung Quốc khi Bắc Kinh không đủ chứng cứ để đòi dẫn độ họ về điều tra - xét xử.Ngay cả Chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ của Cảnh sát Quốc tế Interpol cũng bị chính quyền Trung Quốc tạm giữ đột xuất hồi cuối tháng 9, sau khi ông về nước.
Việc tạm giữ chân bà giám đốc cho đến khi bà nói chuyện với chính quyền Trung Quốclà một thách đố mới cho luật bí mật ngân hàng của Thụy Sĩ, quốc gia nổi tiếng với hệ thống ngân hàng bảo vệ bí mật cho các thân chủ.
Singapore cũng có luật bí mật ngân hàng, trở thànhđiểm đến của nhiều người châu Á để gởi tiền, tránh sự soi mói của nhân viên điều tra thuế và cảnh sát.
Một số công ty đa quốc gia đã bắt đầu xem xét lại, đôi khi siết chính sách cử nhân viên đi công tác Trung Quốc. Bởivì họ sợ trở thành nạn nhân của gián điệp công nghiệp Trung Quốc, hoặc vi phạm thương mại, ví dụ bán hàng phá giá hoặc trợ giá cho hàng xuất khẩu.
Theo Times, lệnh cảnh báo của UBS tác động đếntừ 50 đến 100 giám đốc quản lý tài sản của UBS, chủ yếu sống ở Singapore và Hồng Kông, nhưng không là lệnh cấm đi Trung Quốc. Một số người vẫn tiếp tục đi Trung Quốc sau khi báo cáo cấp trên hoặc vì trước đó đã có hẹn.
Các cơ quan tài chính lớn của Mỹ như Bank of America Merrill Lynch và Goldman Sachs - tiếp tục cho phép nhân viên đến Trung Quốc vào ngày 22.10.
Chính phủ Mỹ hồi tháng 1.2018 đã ban hành một khuyến cáo công dân Mỹ cần cân nhắc về việc đi Trung Quốc, nhất là nếu như họ sinh ở đó và đã có quốc tịch Mỹ, vì chính quyền Trung Quốc có thể không cho phép họ rời khỏi, nếu như chính quyền muốn gây sức ép với họ hoặc với gia đình hoặc chủ chỗ làm của họ.
Theo tạp chí Ngân hàng Tư nhân châu Á, UBS là đơn vị quản lý tài sản lớn nhất ở châu Á với 383 tỉ USD hồi cuối năm 2017,đứng trên Citigroup, Credit Suisse, HSBC và Julius Baer.
UBS cũng đang xây dựng sự hiện diện ở Trung Quốc, sắp trở thành ngân hàng đầu tiên nắm đa số cổ phần trong một liên doanh ở nước sở tại, theo các quyđịnh mới nhằm mở rộng lĩnh vực này. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có sự phê duyệt của chính quyền Trung Quốc, vốn chưa bật đèn xanh cho công ty nước ngoài sở hữu 51 % cổ phần.
UBS đã ước tính cứ hai ngày có một tỉ phú mới ở Trung Quốc, trong khi ngân hàng Credit Suisse nói tổng tài sản của người giàu Trung Quốc trong thế kỷ 21 này đã tăng 1.300 %, đạt 51, 9 ngàn tỉ USD.
Bảo Vĩnh (theo New York Times, Bloomberg)