Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,67 tỉ USD trong 10 tháng qua.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Tuyết Nhung | 02/11/2022, 08:50

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,67 tỉ USD trong 10 tháng qua.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Mỹ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 10 ước tính tăng không nhiều so với tháng trước đó. Theo đó, trong tháng 10.2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,27 tỉ USD, ước tính tăng 0,1% so với tháng trước (đạt 58,21 tỉ USD) và chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

cua-khau-quoc-te-lao-cai.jpg
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai

Tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 30,27 tỉ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 7,55 tỉ USD, tăng 8,7% so với tháng trước nhưng giảm gần 5% so với so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 22,7 tỉ USD, giảm 0,7% so với tháng trước nhưng tăng 8% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,8 tỉ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỉ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỉ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.

Trong 10 tháng này, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86% tổng xuất khẩu cả nước; xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản chiếm 8,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,2%. Cụ thể như sau:

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông lâm thủy sản ước đạt 25,8 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 9,4 tỉ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu cà phê đạt 3,2 tỉ USD, tăng 33,4% về trị giá xuất khẩu và tăng 10,6% về lượng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu gạo đạt 2,9 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 10 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 269,5 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 10% như: phân bón các loại tăng 153%; hóa chất, tăng 40,8%; sản phẩm hóa chất tăng 31,2%; túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 39,4%; hàng dệt may tăng 22%; giầy dép các loại tăng 41%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 35%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 28%; dây điện và cáp điện tăng 14%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 14%; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 49%; sản phẩm từ sắt thép tăng 23%; đá quý và kim loại tăng 38,8%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 39%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 10 tháng năm 2022 mặc dù có xu hướng chậm lại nhưng tiếp tục là nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng cao (xuất khẩu than đá tăng 100,7%; dầu thô tăng 19%; xăng dầu các loại tăng 35,8%).

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỉ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46,9 tỉ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỉ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỉ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỉ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỉ USD, tăng 22%.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Tháng 10, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28 tỉ USD, giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng 7,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,5 tỉ USD, giảm 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,5 tỉ USD, giảm 1,2%.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỉ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 105 tỉ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198 tỉ USD, tăng 12%.

Trong đó, nhóm hàng cần nhập khẩu đạt 269 tỉ USD, chiếm 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 12,2% so với cùng kỳ; nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 18,6 tỉ USD, chiếm 11,3% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,67 tỉ USD tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 52,8 tỉ USD, tăng 16,9%; ASEAN ước đạt 39 tỉ USD, tăng 17%; Nhật Bản ước đạt 19,7 tỉ USD, tăng 8,3%; EU ước đạt 12,6 tỉ USD, giảm 9,5%; Mỹ ước đạt 12,3 tỉ USD, giảm 4,5%.

Tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,27 tỉ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỉ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,9 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,3 tỉ USD.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững trong bối cảnh một số thị trường lớn của Việt Nam như: EU, Mỹ bị thu hẹp, nhu cầu giảm, Bộ Công Thương cho biết sẽ hướng dẫn doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.

Triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Cùng với đó là tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi thị trường thế giới nhu cầu giảm nhằm giữ ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động. Theo đó, tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường phù hợp.

Bài liên quan
Trung Quốc trao Huân chương Hữu nghị cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tối 31.10, lễ trao tặng Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam