Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một nguồn tin tiết lộ rằng, giới chức Trung Quốc đang nghĩ tới khả năng trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trung Quốc xem xét gia nhập CPTPP

12/10/2018, 14:06

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một nguồn tin tiết lộ rằng, giới chức Trung Quốc đang nghĩ tới khả năng trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Sau Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines và Anh, đến lượt Trung Quốc quan tâm đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Ảnh: Business Times

Cường quốc châu Á trước đó từng nhận xét Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là quá phức tạp và đến nay chưa hề công khai tỏ ý muốn gia nhập CPTPP, nhưng theo nguồn tin của SCMP thì thái độ của Bắc Kinh đang thay đổi. Các quan chức Trung Quốc những tháng qua đã nghiên cứu và xin lời khuyên về khả năng tham gia.

Giới quan sát nhận định gia nhập CPTPP có thể giúp Trung Quốc đối phó với chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump cũng như gia tăng vai trò trong thương mại tự do. Một hiệp định rộng lớn giữa 11 quốc gia bao gồm cả Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico, Úc sẽ cho phép chính quyền Bắc Kinh mở rộng quan hệ thương mại và giải phóng tiềm năng tăng trưởng, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nguy cơ bị Mỹ cô lập về kinh tế.

Trong thỏa thuận thương mại 3 bên mới vừa đạt được tuần qua giữa Mỹ, Mexico và Canada có điều khoản cho phép chính quyền Washington phủ quyết nếu 2 đối tác còn lại muốn ký thỏa thuận thương mại tự do với “nền kinh tế phi thị trường”, thuật ngữ được giới quan sát xác định là nhắm vào Trung Quốc.

Giám đốc Trung tâm Toàn cầu hóa và Trung Quốc (CCG) Vương Huy Diệu cảnh báo: “Mối lo lớn nhất là khả năng Mỹ cùng đồng minh lập rào cản thương mại để ngăn Trung Quốc tiếp cận thị trường”.

“Tham gia CPTPP có thể là công cụ đối phó Mỹ và giúp Trung Quốc tạo ra một mạng lưới thương mại mới bên cạnh sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cùng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Chúng ta không thể đứng ngoài những mạng lưới thương mại khác”, ông Vương nhấn mạnh.

Bắc Kinh từng nhìn TPP với con mắt hoài nghi ngay từ khi nó được soạn thảo lần đầu năm 2015. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực dẫn dắt đàm phán hiệp định này nhằm khiến các nước tham gia giảm phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, xích lại gần hơn với Mỹ.

Cường quốc châu Á khi đó tỏ ý không hài lòng khi bị “ra rìa”. Nước này tuyên bố mọi thỏa thuận thương mại cần minh bạch và bao trùm.

Tuy nhiên, TPP đã gặp nguy khi Tổng thống Trump đưa nước Mỹ rút lui. Nhật Bản sau đó đã rất cố gắng cứu hiệp định. Quá trình đàm phán giữa 11 quốc gia còn lại kết thúc vào tháng 1.2018, đến tháng 3 thì một hiệp định mang tên CPTPP được ký kết. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau khi có ít nhất 6 thành viên phê chuẩn.

Gia nhập CPTPP có thể giúp Trung Quốc đối phó Mỹ, cũng như gia tăng vai trò trong thương mại tự do - Ảnh: Asia Times

Thông tin Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP xuất hiện trong bối cảnh 2 chính quyền Bắc Kinh và Tokyo đang tìm cách cải thiện quan hệ, Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sang thăm nước láng giềng trong tháng này. Hợp tác kinh tế chắc chắn nằm trong chương trình nghị sự của chuyến công du, nhưng không rõ ông Abe có đề cập đến ý tưởng tham gia CPTPP khi hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình hay không.

Nhà lãnh đạo Nhật từng mời Anh gia nhập, trong khi Thái Lan, Hàn Quốc và Philippines cũng đã thể hiện sự quan tâm với CPTPP. Ngay cả Tổng thống Trump vào tháng 4 cũng từng để ngỏ cơ hội đưa Mỹ quay lại.

Hồi tháng 9, Tổng thống Chile Sebastian Pinera cho biết Trung Quốc có ý tham gia và hoan nghênh cường quốc châu Á làm thành viên.

Giáo sư Đồ Tân Tuyền của Đại học Kinh tế đối ngoại Trung Quốc khẳng định gia nhập CPTPP là bước đi thông minh cần được thực hiện sớm. Khi không có mặt Mỹ, Trung Quốc có vị thế tốt trong đàm phán các điều khoản.

Nhưng nhà kinh tế học Trần Long của cơ quan nghiên cứu Gavekal Dragonomics đánh giá sẽ không dễ để Trung Quốc tham gia CPTPP. Theo ông: “Khả năng đàm phán gia nhập chính thức vẫn chưa rõ ràng do ảnh hưởng của Mỹ với các thành viên hiệp định. Trung Quốc sẽ gặp khó trong thương lượng về chính sách công nghiệp và sở hữu trí tuệ”.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Trung Quốc bị ảnh hưởng vì Tesla, Amazon, Intel và Ericsson tiếp tục sa thải nhiều nhân viên
Việc cắt giảm lực lượng lao động quy mô lớn tại các hãng công nghệ nổi tiếng trên toàn cầu như Tesla, Amazon, Intel và Ericsson gây ra sự lo lắng ở Trung Quốc, nơi các công ty lớn cũng tiến hành sa thải nhân viên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc xem xét gia nhập CPTPP