Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Indonesia quanh quần đảo Natuna - trong thời gian đầu năm 2020 - càng cho thấy vai trò gìn giữ chủ quyền trên Biển Đông giàu nguồn cá ngày càng tăng của lực lượng ngư dân các nước trong khu vực, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 12.1.

Trung Quốc xua ngư dân đánh bắt xa bờ và những mưu tính phía sau

13/01/2020, 07:29

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Indonesia quanh quần đảo Natuna - trong thời gian đầu năm 2020 - càng cho thấy vai trò gìn giữ chủ quyền trên Biển Đông giàu nguồn cá ngày càng tăng của lực lượng ngư dân các nước trong khu vực, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 12.1.

Tàu cá Trung Quốc ào ạt ra quân đánh bắt tận Biển Đông - Ảnh: Getty Images

Lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh cho ngư dân đánh bắt xa bờ

Tờ báo Hồng Kông nhắc hồi tháng 4.2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cao tầm quan trọng của hải đội đánh cá Trung Quốc. Lúc đó ông Tập đã đi thăm một làng đánh cá ở phía nam tỉnh đảo Hải Nam, ông đã kêu gọi các ngư dân “đóng tàu to hơn, tiến xa vào các vùng biển lớn và bắt những con cá to hơn”. Dân làng liền tuyên bố sẽ làm tất cả mọi điều để có thể bảo vệ “biển của tổ tiên”.

Một vấn đề đang trở nên nghiêm trọng, là nguồn hải sản gần bờ biển Trung Quốc đang bị sụt giảm mạnh, trong khi nhu cầu thụ hưởng hải sản đã khiến ngư dân Trung Quốc đánh bắt thật xa bờ cõi.

Bắc Kinh đã ngang ngược tuyên bố Biển Đông là “ngư trường truyền thống, có từ ngàn xưa” của Trung Quốc, xem đó là chứng cứ chủ đạo cho tuyên bố chủ quyền và tài nguyên ở Biển Đông thông qua bản đồ tự vẽ “đường lưỡi bò 9 đoạn”, dù Tòa án trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 đã tuyên rằng không có cơ sở pháp lý cho “chủ quyền lịch sử” của Bắc Kinh.

Theo SCMP, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ ngư dân, trợ cấp cho việc đóng tàu vỏ thép vét cá quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đội tàu hải cảnh Trung Quốc cũng được củng cố, mở rộng và trang bị tốt hơn để “chống lưng” cho ngư dân, trong nỗ lực bành trướng ngư trường cũng như phô trương thế lực hàng hải.

Theo Giáo sư Trịnh Triết Mẫn của Đại học Sư phạm Hải Nam và còn là một nhà nghiên cứu biển Nam Hải, so với việc đưa dàn khoan hoặc chiếm các đảo tranh chấp ở Biển Đông, thì việc xây dựng hải đội đánh cá ít tốn kém hơn và dễ kiểm soát hơn.

Và đối với Bắc Kinh, việc cử các hải đội tàu cá đến các vùng - như quần đảo Natuna không chỉ thỏa mãn sức tiêu thụ hải sản trong nước, mà còn duy trì một sự hiện diện ở Biển Đông ở mức độ ít rủi ro.

Chiến đấu cơ và tàu chiến Indonesia tuần tra gần quần đảo Natuna ngày 10.1.2020 - Ảnh: Reuters

Nguy cơ xung đột

Quần đảo Natuna ở vùng biển Borneo là của Indonesia, nhưng Trung Quốc nói vùng biển quanh Natuna là một phần “biển của tổ tiên”. Như để nhấn mạnh, Trung Quốc đã đưa một tàu hải cảnh hộ tống các tàu đánh cá đi vào vùng biển này hồi trung tuần tháng 12.2019, điều khiến Indonesia phản đối, cáo buộc Trung Quốc xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 220 hải lý của Indonesia. Jakarta cũng hứa sẽ cử khoảng 120 ngư dân đến vùng biển Natuna để củng cố quyền kiểm soát.

Ngày 8.1, Tổng thống Joko Widodo đến thăm các quân nhân trên một tàu chiến ở Cảng Selat Lampa thuộc quần đảo Natuna. Ông tuyên bố: “Không bao giờ có chuyện thương lượng, khi nói về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta”. Hôm sau, quân đội Indonesia xác nhận nhóm tàu Trung Quốc đã rời khỏi quần đảo này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo kiểm tra quân nhân trên tàu chiến ở quần đảo Natuna - Ảnh : AP

Nhưng dù nguy cơ xung đột đã hạ giảm, tàu cá của hai quốc gia tiếp tục hoạt động ngầm, khiến càng làm mỏng niềm hy vọng sẽ có được Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong năm tới. ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) và Trung Quốc từ năm 2002 đã bắt đầu đàm phán nhằm đạt được COC, qua đó điều chỉnh những hành vi gây nguy hiểm cũng như ngăn chặn xung đột thù địch trên vùng biển tranh chấp này.

Ông Đinh Đoạt, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quốc gia Nghiên cứu Nam Hải (ở tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc) nói cuộc tranh chấp ngư trường phản ánh sự khác biệt lớn giữa Bắc Kinh và Indonesia về các quyền. Ông nói: “Indonesia tin rằng quần đảo Natuna thuộc EEZ của mình, nhưng Trung Quốc nói khu vực là một phần ngư trường truyền thống và có quyền bảo vệ chủ quyền”.

Ông Đinh còn nói các nước trong khu vực cần thống nhất một Bộ Qui tắc ứng xử nhằm giải quyết tranh chấp ngư trường, nhằm bảo đảm không để các tranh chấp này bùng phát thành xung đột lớn hơn, “chẳng hạn nên có vài hạn chế số tàu đánh cá và cấp độ đánh cá trên vùng biển tranh chấp. Các hoạt động tuân thủ pháp luật cũng phải được điều chỉnh. Nếu không thì sẽ không chỉ có căng thẳng dâng cao, mà còn làm tăng nguy cơ những tranh chấp đánh cá bình thường thành những vấn đề chính trị nghiêm trọng”.

Ông Trương Minh Lượng, một chuyên gia về Đông Nam Á ở Đại học Tế Nam (Trung Quốc) nói điều càng phổ biến hiện nay, là các nước đòi chủ quyền Biển Đông đều dùng hải đội đánh cá để giành quyền lợi trên biển, cũng như ấn định vị thế của mình trong các cuộc đàm phán về COC. Nhưng ông nói trong khi các tranh chấp được dự báo sẽ tăng cao, sẽ không có cuộc tranh chấp nào biến chuyển thành những cuộc xung đột cấp khu vực: “Cả hai bên đều kiềm chế không sử dụng vũ khí mạnh, tự hạn chế ở mức chỉ phô trương cơ bắp quân sự”.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc xua ngư dân đánh bắt xa bờ và những mưu tính phía sau